Hà Nội thông tin chính chức vụ nghe lén hơn 14.000 điện thoại di động

Thứ Tư, 02/07/2014, 08:37 [GMT+7]

Cảnh sát đã bắt tạm giam 3 bị can, cho tại ngoại 1 bị can trong vụ án này.

Chiều 1/7, tại cuộc giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, Công an TP Hà Nội thông tin điều tra ban đầu về vụ hơn 14.000 điện thoại di động bị cài đặt phần mềm giám sát, nghe lén.

Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) – Công an TP Hà Nội cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào khoảng tháng 4/2014, cảnh sát phát hiện, Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đăng tin rao bán phần mềm nghe lén điện thoại di động.

Giữa tháng 5/2014, Cảnh sát cùng Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra Công ty Việt Hồng.

1
Đại tá Dương Văn Giáp thông tin chính thức về vụ nghe lén 14.000 điện thoại

 

Tại đây, cảnh sát làm rõ, Công ty Việt Hồng kinh doanh phần mềm Ptracker – phần mềm có thể giám sát, xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát.   Người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng tin nhắn tới điện thoại này.

Các file ảnh, ghi âm, video sinh ra từ việc khai thác các chức năng của phần mềm được tải lên máy chủ và không được lưu tại máy điện thoại cài phần mềm.

Nếu khách hàng có nhu cầu, có thể vào tải về tại trang web của công ty, nhắn tin để nhận đường link, hoặc nhân viên công ty trực tiếp cài trên máy.

Theo cảnh sát, đến nay số lượng tài khoản đã từng bị cài phầm mềm giám sát ptracker khoảng 14.140 tài khoản, trong đó, có 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian hoạt động giám sát.

Nếu khách hàng nộp tiền, Công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ.

Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, cảnh sát đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, trú tại Thanh Xuân) – Phó Giám đốc Công ty Việt Hồng; Lê Thanh Lân (trú tại Cầu giấy) - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Việt Hồng; Trần Minh Ngọc – nhân viên hỗ trợ khách hàng của Công ty Việt Hồng.

Đối với Trần Thị Nga – nhân viên tư vấn của Công ty Việt Hồng do đang mang thai nên cảnh sát cho tại ngoại, đồng thời đưa ra biện pháp ngăn chặn đối với bị can này.

Cũng theo Đại tá Dương Văn Giáp, tại cơ quan điều tra, bị can Hùng khai, từ tháng 6/2013, Hùng đã chỉ đạo phát triển phần mềm Ptracker.

Người dùng muốn thực hiện giám sát thì nạp tiền vào tài khoản ngân hàng của Công ty Việt Hồng, hoặc trả tiền qua Ebay.

Từ tháng 6/2013 đến nay, Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính hơn 900 triệu đồng từ việc kinh doanh phần mềm Ptracker.

Cũng tại cuộc họp, Đại tá Dương Văn Giáp cũng cho biết, các bị can trên điều tra về hành vi: “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo điều 226 Bộ luật Hình sự. Cảnh sát cũng đang tiếp tục làm rõ những nhân viên của Công ty Việt Hồng liên quan đến hành vi này.

Đối với những người thuê, sử dụng phần mềm, cảnh sát cho thấy, có dấu hiệu vi phạm điều 125, Bộ luật Hình sự - “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”.

“Hiện cảnh sát đang phân loại các đối tượng này để xử lý theo pháp luật”, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, thông tin vụ việc để dư luận biết rõ thông tin, không giao động hoang mang, không liên quan đến “vấn đề tình báo” như dư luận đồn thổi.

Tiếp tục thông tin, đại diện Sở Thông tin Truyền thông cũng cho biết, sever lưu trữ thông tin giám sát của Công ty Việt Hồng hiện đang niêm phong và giao cho VDC bảo quản. Hiện phần mềm này không còn hoạt động và sẽ chuyển sang cho cơ quan điều tra.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của nhà mạng trong vụ án này, cảnh sát cho biết vẫn đang tiếp tục làm rõ./.

 

Theo VOV
 

.