Điện Biên: Nhức nhối tội phạm mua bán người

Thứ Hai, 21/07/2014, 17:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và các huyện vùng cao, vùng giáp biên giới nói riêng, hoạt động mua bán người ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, tính chất phạm tội nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi, xu hướng hoạt động xuyên quốc gia và yếu tố phạm tội nước ngoài gia tăng.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 370 phụ nữ, trẻ em vắng mặt không có lý do (nghi là nạn nhận của các vụ mua bán người), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tuần Giáo (84 người), Tủa Chùa (89 người), Nậm Pồ (50 người) và Mường Ảng (33 người).

Theo thống kê, từ năm 2011 đến tháng 5/2014, toàn tỉnh đã khởi tố 35 vụ mua bán người (trong đó có 33 vụ mua bán người ra nước ngoài) với 47 đối tượng phạm tội, làm rõ 80 nạn nhân bị mua bán. Tội phạm mua bán người tập trung chủ yếu ở các đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, buôn bán tự do, chủ chứa mại dâm, môi giới mại dâm, nạn nhân từng bị mua bán làm gái mại dâm. Thủ đoạn của bọn tội phạm là bày tỏ tình cảm yêu thương để dụ dỗ, dùng lời nói dễ nghe lôi kéo nạn nhân hoặc hứa tìm việc với công việc ổn định, thu nhập cao.

c
Chị Sùng Thị Mỷ, bản Huổi Đáp, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ (nạn nhân của vụ mua bán người) kể lại câu chuyện bị bán sang Trung Quốc cho phóng viên

Nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn nạn nhân là những người có điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình không hạnh phúc, trình độ nhận thức thấp, thu nhập không ổn định, bị lợi dụng, dụ dỗ, một phần nhỏ là các cô gái thích hưởng thụ vật chất đầy đủ nhưng lười lao động. Hầu hết nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc) làm gái bán dâm, làm vợ ngoài ý muốn hoặc lao động nặng nhọc.

Để hạn chế tình trạng trên, trong thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ và ngăn chặn, trong đó đã đẩy mạnh thông tin, truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội. Lực lượng công an các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng trong công tác quản lý biên giới, tuyên truyền chính sách pháp luật, giải cứu, tiếp nhận và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. 100% các trường hợp nạn nhân bị mua bán sau khi được giải cứu, tự trở về đều được tiếp nhận, xác minh lại lý lịch, nhân thân. Công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Việc phối hợp giữa các địa bàn biên giới nước ta với nước CHDCND Lào và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng được tăng cường...

Thực tế cho thấy, việc triển khai công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn các xã vùng cao, vùng biên giới nhân dân sống phân tán, trình độ nhận thức hạn chế, kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định, nhiều phong tục lạc hậu, do đó tội phạm mua bán người lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt người dân. Bên cạnh đó, nhiều vụ án nạn nhân vắng mặt hoặc nạn nhân hợp tác với đối tượng nên mục đích vụ lợi không được làm rõ. Cũng có nhiều vụ án nạn nhân vì mặc cảm không khai báo hoặc khai báo không trung thực với cơ quan chức năng nên khó điều tra, bắt giữ, xét xử đối tượng. Điều đáng chú ý là nhiều đối tượng sau khi gây án xong bỏ trốn ra nước ngoài nên tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm./.

 

Diệp Xuân

.