"Mức án 30 năm với 1 đời người có lẽ không thấp"
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định ông tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử.
Nằm trong nhóm đại biểu đầu tiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhấn mạnh cử tri và nhân dân cả nước quan tâm và đánh giá cao việc đưa ra xét xử các vụ đại án tham nhũng, kết quả xét xử đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, một cuộc chiến cam go không kém cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: Thanh niên) |
Đi vào trọng tâm câu hỏi, đại biểu bày tỏ băn khoăn trước kết quả phiên tòa sơ thẩm xử Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo có liên quan đến vụ án lớn trong lĩnh vực Ngân hàng, vừa kết thúc hôm 9/6 còn những ý kiến khác nhau. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, các mức án đã tuyên đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã thực sự phù hợp với tội danh mà cơ quan điều tra xác định, cơ quan công tố đề nghị chưa? Tại sao Nguyễn Đức Kiên cũng như hầu hết các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nhưng các mức án tuyên đều thấp hơn khung đề nghị. Kết quả xét xử đó có đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đã đủ tính răn đe để chặn đứng tội phạm tham nhũng hay chưa?
Đại biểu cũng đề nghị các vị đứng đầu các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử vụ án này làm rõ thêm vì sao cho đến lúc tuyên án, trong khi cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên tội danh đối với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo, hầu hết các bị cáo đều khẳng định mình vô tội. Phải chăng các quy định pháp luật của chúng ta hiện nay có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau.
Được Chủ tọa mời đặt câu hỏi đến lần thứ hai đối với Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Sơn tiếp tục đề nghị Chủ tọa phiên họp chỉ định một trong các vị đứng đầu ngành Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời câu hỏi của mình với lý do “đây không phải là vấn đề một mình tôi quan tâm, dư luận xã hội rất quan tâm bởi đang có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả phiên tòa, các luật sư nghĩ khác, các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng nghĩ khác, dân nghĩ khác”. Đại biểu cho rằng một câu trả lời chính xác, đầy đủ tại hội trường sẽ tạo một sự đồng thuận trong xã hội bởi đây là một vấn đề rất nhạy cảm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, chủ tọa phiên họp – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là một vấn đề cụ thể, phiên tòa đã diễn ra, tòa án cũng đã định tội, đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đại diện cho ngành Công an, Kiểm sát trả lời trong vòng 5 phút.
Về kết quả xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nêu rõ, tòa xét xử trên nguyên tắc thông qua tranh tụng tại tòa để xem xét toàn diện các chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật không xử oan cho người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm. Việc xét xử, ra quyết định, tuyên bản án, kết án đối với người phạm tội phải kết hợp về nguyên tắc trừng trị với khoan hồng.
Theo Chánh án Trương Hòa Bình, Tòa án Hà Nội đã xét xử sơ thẩm theo nguyên tắc, hội đồng xét xử độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm. Tòa án Hà Nội, Hội đồng xét xử đã tuyên bản án với các bị cáo, trong đó có bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị truy tố 4 tội: Kinh doanh trái phép (theo điều 159 Bộ luật Hình sự), Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù, tòa đã tuyên 20 tháng tù; tội trốn thuế, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 4-5 năm tù, tòa tuyên 6 năm 6 tháng tù; tội cố ý làm trái, Viện đề nghị 14-16 năm, Hội đồng xét xử tuyên 18 năm; tội lừa đảo, Viện đề nghị mức án từ 16-18 năm tù, tòa tuyên 20 năm tù. Đối với trường hợp phạm nhiều tội, theo điều 50 Bộ luật Hình sự mức án cao nhất là 30 năm tù.
Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng mức án do Hội đồng xét xử tuyên đều cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát với những tội danh của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, mức án 30 năm tù so với 1 đời người có lẽ không thấp. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn tuyên phạt bị cáo 3 lần tiền trốn thuế là 75 tỷ đồng; phạt 100 triệu đồng tội lừa đảo; cấm hành nghề liên quan đến hoạt động ngân hàng trong 5 năm. Hội đồng xét xử cũng đã khởi tố tiếp 2 vụ án hình sự tại tòa, và yêu cầu Viện Kiểm sát tiếp tục xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao kết luận: “Đây là một bản án tòa đã tuyên khá toàn diện. Tôi với tư cách Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu có kháng cáo, tòa án sẽ tiếp tục xem xét theo trình tự phúc thẩm theo quy định của pháp luật”./.
Theo VOV.VN