Nỗ lực xây dựng bản làng không ma túy
Điện Biên TV - Hệ lụy do tệ nạn ma túy gây ra cho xã hội vô cùng lớn, nhất là ở các địa phương miền núi, biên giới. Bởi vậy “xây dựng bản làng không ma túy” đã trở thành khẩu hiệu hành động ở nhiều địa phương. Chính vì chịu nhiều hệ lụy bởi tệ nạn ma túy nên “xây dựng bản làng không ma túy” đã trở thành phong trào ở các xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Ngôi nhà của gia đình anh Chuyên, chị Loan bản Pú Piếng, xã Chiềng Đông. Buôn bán trái phép chất ma túy không những không giúp đời sống gia đình khá lên như cách mà họ mơ tưởng, mà người chồng lại vướng vào vòng lao lý. |
Hệ lụy của tệ nạn ma túy là điều không khó để chỉ ra ở Chiềng Đông, Chiềng Sinh – khu vực vẫn được coi là điểm nóng về tệ nạn ma túy của huyện Tuần Giáo. Hàng trăm người nghiện, bị tàn phá sức khỏe và nhiễm bệnh xã hội, không ít gia đình tan nát vì ma túy. Ma túy là nỗi đau chưa thể dứt của người dân các xã Chiềng Đông, Chiềng Sinh.
Chúng tôi đến bản Pú Piếng, xã Chiềng Đông. Căn nhà của vợ chồng Cà Văn Chấn và Lường Thị Uôn đã cả năm nay vẫn bị khóa im ỉm, bởi cả hai vợ chồng họ đều đang trong thời gian thi hành án tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngay cạnh căn nhà có chủ nhân đi vắng lâu năm này là căn nhà của gia đình anh Lò Văn Chuyên và chị Cà Thị Loan. Không chịu làm ăn lương thiện, Lò Văn Chuyên lại lao theo con đường tội lỗi của vợ chồng người láng giềng thân thiết. Kết quả là Chuyên đã phải lĩnh mức án 16 năm tù giam, để lại người vợ nghèo nuôi con vò võ một mình. Không những không thể thoát nghèo vì buôn bán ma túy, mà còn khiến cho gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, còn bản thân thì phải nhận những hình phạt thích đáng. Chịu sự trừng phạt của pháp luật, đó là cái mà những kẻ hám lợi, muốn làm giàu nhờ ma túy nhận lại sau hành vi tội lỗi. Tuy nhiên, hệ lụy của hành vi đó để lại cho xã hội thì còn kéo dài. Trong nhiều năm xã Chiềng Sinh mà hiện nay là hai xã Chiềng Sinh và Chiềng Đông đã căng mình hứng chịu những hệ lụy từ ma túy. “Xây dựng bản làng không ma túy” là điều mà họ khao khát nhưng để làm được thì không hề đơn giản.
Ông Lò Văn Chu, Trưởng Công an xã Chiềng Đông, cho biết: Tệ nạn ma túy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân. Chiềng Đông là địa bàn phức tạp về ma túy, hiện toàn xã có khoảng 58 người nghiện, 25 điểm bán lẻ ma túy. Muốn xây dựng địa bàn trong sạch về ma túy, trước hết lực lượng công an đã phải rà soát lại tất cả số người nghiện; danh sách đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy... Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân; phối hợp với công an cấp trên triệt phá một số ổ nhóm phức tạp; vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại cộng đồng và gia đình....vv.
Đối với địa bàn có một số xã là điểm nóng về mua bán, vận chuyển ma túy như huyện Tuần Giáo, việc xây dựng bản làng không ma túy rất khó khăn. Tuy nhiên, phải tìm cách để hạn chế và làm giảm đến mức thấp nhất tình trạng mua bán, sử dụng các chất ma túy và giảm thiểu những hệ lụy mà ma túy gây ra. Để làm được điều này, chính quyền địa phương và người dân đã đặt nhiều kỳ vọng vào Đề án “Thí điểm mô hình điều trị thay thế nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng Methadone". Sau 3 năm triển khai, đến nay đề án đã cho thấy kết quả rõ rệt.
Theo chân trưởng bản Bánh II, xã Chiềng Đông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Trưởng. Anh Trưởng đang chuẩn bị dựng cho gia đình một căn nhà mới, điều mà một vài năm trước đây anh không đủ sức để nghĩ đến. Sử dụng hêrôin một thời gian khá lâu, thứ ma túy này đã làm cho sức khỏe anh Trưởng suy kiệt. Tuy nhiên, sau khi được điều trị bằng thuốc thay thế, sức khỏe của anh đảm bảo hơn. Anh đã làm được nhiều việc cho gia đình và không phải tiêu tốn nhiều tiền cho ma túy như trước kia.
Người nghiện đến điều trị tại Cơ sở lồng ghép OPC và Methadone huyện Tuần Giáo. |
Hiện nay, cơ sở lồng ghép OPC và Methadone của huyện Tuần Giáo đang điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Do giảm thiểu được nhiều tác hại của chất ma túy, nên hầu hết các bệnh nhân đến đây điều trị đều dùng thuốc rất đều đặn và tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị. Giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng nghiện, giảm tác động của ma túy lên não và giảm dần nhu cầu sử dụng ma túy đến ngưỡng cần thiết, Methadone không chỉ giúp người bệnh lấy lại được sức khỏe, tinh thần mà còn giúp cho xã hội bớt đi nhiều nguy cơ.
Ông Lường Văn Inh, Trưởng bản Bánh II, xã Chiềng Đông, chia sẻ: Sau khi dùng Methadone điều trị cho người nghiện ma túy, an ninh trật tự ở khu vực bản Bánh II đã giảm hẳn. Đây là chuyển biến đáng mừng đối với người dân trong bản.
Trong một số năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta tội phạm về ma túy vẫn gia tăng và hoạt động của loại tội phạm này ngày càng phức tạp. Số vụ và số lượng ma túy các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ và xử lý ngày càng nhiều. Đến nay, chúng ta có thể thấy ma túy xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, dù đó là thị trấn, thị tứ sầm uất hay là vùng dân tộc miền núi đời sống còn nghèo nàn.
Mường Khong - xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo hiện nay được coi là địa phương chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, xã cũng có gần 30 người nghiện, tập trung ở hai bản vùng cao Phiêng Hin và Khong Tử. Có 2/9 bản không có người nghiện ma túy, ở Mường Khong người ta vẫn còn tìm thấy các bản làng không ma túy. Tuy nhiên để xã duy trì được hiện trạng này, đòi hỏi địa phương cần có sự nỗ lực lớn.
Tuyên truyền lồng ghép về phòng chống ma túy trong các cuộc họp bản, họp xã; vận động trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường đầy đủ; tạo việc làm cho dân bằng cách tìm ra các loại cây, con mới, các biện pháp canh tác phù hợp, đảm bảo đời sống cho nhân dân, và tăng cường phòng chống tội phạm ma túy ở các khu vực trọng điểm. Đó là tất cả những nỗ lực chính quyền địa phương có thể làm được. Phòng chống ma túy luôn đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng.
Bản Pom Khoang, xã Mường Khong là một trong số các bản xa, khó khăn nhất của xã Mường Khong. Đường giao thông đi lại còn khó khăn, chưa có điện và có trên 50% hộ dân là hộ nghèo. Tuy nhiên, điều mà bà con dân bản ở đây tự hào là Pom Khoang không có người nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, trộm cắp. Vượt qua những điều kiện khó khăn hiện tại của địa phương, cần cù lao động để có đời sống ổn định, người dân bản Pom Khoang không chỉ làm nương mà còn khai hoang ruộng nước, làm ao nuôi thả cá và học tập người dân các xã lân cận trồng cà phê. Người dân có việc làm, có thu nhập, trẻ em được học hành, đó là một trong những điều kiện cần thiết giúp cho các bản vùng cao như Pom Khoang phòng chống tệ nạn ma túy.
Đã có những bản làng thưa thớt bóng đàn ông bởi ma túy, hàng trăm gia đình thảm bại vì ma túy, hàng trăm người khác bị đeo đẳng suốt đời bởi những căn bệnh xã hội. Oằn mình trước nỗi đau mà ma túy gây ra, nhưng không thể không nỗ lực tìm ra những biện pháp để giảm thiểu tác hại của ma túy và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội. “Xây dựng bản làng không ma túy” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là ước mong, khao khát của mỗi người dân huyện Tuần Giáo nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Minh Giang – Trọng Lâm