Thực hư lời đồn về rượu ngâm cây thuốc phiện
(Điện Biên TV)- Thời gian gần đây, tình trạng tái trồng anh túc (còn gọi là cây thuốc phiện) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang diễn biến ngày một phức tạp. Bên cạnh việc các đối tượng trồng anh túc chiết nhựa để lấy thuốc phiện buôn bán, sử dụng thì hiện nay đang nổi lên lời đồn ngâm rượu cây anh túc để uống “chữa bách bệnh”.
Từ những lời đồn thổi vu vơ, nhiều người đã mua quả và cây thuố phiện ngâm rượu để uống |
Hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện thường diễn ra tại những khu vực rừng núi hoang sơ, biệt cách khu dân cư. Một bộ phận người dân chưa hiểu biết về pháp luật, bị kẻ xấu xúi giục, mua chuộc trồng và vận chuyển thuê. Song đã có không ít người mua lại là những người đang công tác trong cơ quan nhà nước, những người có học thức, có hiểu biết về pháp luật…
Xâm nhập vùng "Cầu"…
Lần khất mãi cuối cùng tôi cũng có dịp gặp anh C trú tại phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, một người bạn không phải là “đại gia” nhưng có mối quan hệ tương đối rộng. Biết tôi đang tìm tư liệu cho bài viết này, do thân thiết anh đã cho tôi “mục kích” bình rượu cây anh túc với điều kiện giữ bí mật cho anh. Trước mắt tôi là một chiếc bình nhựa có dung tích độ 10 lít, bên trong có chứa rễ, thân, lá và quả anh túc, hầu hết là những quả chưa bị chiết lấy nhựa. Theo anh, cây tốt nhất để ngâm rượu là phải nhổ lúc cây đã cho quả, đang trong thời gian chuẩn bị thu hoạch, sau khi nhổ về thì rửa sạch, phơi khô 2, 3 nắng và cho vào bình ngâm luôn.
Chỉ trong 2 tuần cây sẽ tiết nhựa khiến rượu trong bình đổi màu, tùy vào độ tuổi của cây hoặc độ già của quả sẽ cho màu hổ phách, màu mận chín hoặc màu hồng, và khoảng 1 tháng sau thì mang ra dùng được. Rượu có vị đắng ngọt, hơi chát và có mùi thơm nhẹ. Nghe đồn nếu mỗi bữa ăn uống một, hai chén sẽ ăn cơm ngon, dễ tiêu hóa, đồng thời có tác dụng chữa một số bệnh về khớp, tráng dương, tăng sinh lực, thậm chí, nếu dùng thường xuyên sẽ có khả năng sinh con trai(?). Cũng theo lời anh kể, thì hiện nay việc tìm mua cây thuốc phiện về ngâm rượu đang trở thành mốt. Đã có không ít người bỏ hàng đống tiền ra hoặc qua nhiều mối quan hệ để có được một bình rượu ngâm cây thuốc phiện. Giá của mỗi bình cũng không rẻ hơn so với rượu tam xà, ngũ xà, kỳ đà hay nhân sâm, linh chi.
Tái diễn tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện tại các địa bàn rừng núi vùng sâu, vùng xa |
Tiếp tục tìm tư liệu cho đề tài ngâm cây anh túc làm thuốc, tôi cũng đã gặp anh D, một người đồng nghiệp cũ ở phường Him Lam. Nghe nói anh mới “tìm” được một số cây thuốc phiện còn nguyên thân, rễ, lá, quả và mới ngâm chưa đầy tháng. So với anh C, bình rượu anh túc của anh D có phần hoành tráng hơn bởi trong bình vẫn còn 4 cây nguyên vẹn chứ không cắt từng phần. Cũng như C, anh D chỉ nghe kể truyền miệng về tác dụng của rượu ngâm cây thuốc phiện, vả lại, bình của anh chưa đến thời gian sử dụng nên chưa rõ thực hư thế nào. Nhưng theo như những gì anh nghe được thì rượu ngâm cây thuốc phiện có tác dụng chữa khớp, dạ dày, tốt cho cơ thể đang bị suy nhược, phụ nữ sau khi sinh. Đàn ông mỗi bữa uống một vài chén sẽ tăng cường sức khỏe, có thể ví như bài thuốc “một người khỏe, hai người vui”. Và anh có hứa, khi nào rượu dùng được sẽ biếu tôi một ít để tôi “bồi bổ”. Có lẽ tại anh chưa uống không biết, chứ hôm tôi ở nhà anh C, được “bồi bổ” bằng 3 chén nhỏ, về nhà tôi đã “mật xanh, mật vàng”, ngủ dậy thì đầu nhức như búa bổ, người như bị ai cầm chày mà giã… “Hai người vui” đâu không thấy, chỉ thấy gia đình tôi như “cả tàu bỏ cỏ”… Giá cả tùy theo chất lượng, số lượng, mỹ quan của từng bình thì cũng “trên trời dưới bể”. Như anh C, anh D thì giá một bình rượu từ 10 đến 15 lít ngâm cây anh túc hoàn chỉnh rễ, thân, lá, quả thì có giá khoảng từ 2-3 triệu đồng.
…Đến khu vực "Cung".
Trước những tin đồn thất thiệt và nhu cầu mua cây thuốc phiện về ngâm làm thuốc ngày một tăng cao, tại địa bàn một số xã vùng sâu, vùng xa đã xuất hiện hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện. Các đối tượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, khu vực giáp ranh giữa các xã, khu vực rừng nguyên sinh um tùm, rậm rạp để tái trồng cây thuốc phiện, chính vì thế rất khó bị phát hiện.
Ba đối tượng cùng 26 bao cây, quả thuốc phiện tươi bị công an huyện Điện Biên bắt giữ ngày 2/3/2012 |
Trước tình hình trên, ngay từ những ngày đầu Công an Điện Biên tăng cường tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các đơn vị Công an cấp huyện một mặt tăng cường cán bộ chiến sĩ xuống cơ sở bám nắm địa bàn, phát động phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, mặt khác tập trung lực lượng vào các địa bàn biên giới, khu vực giáp ranh, những nơi địa hình hiểm trở để rà soát, xác minh. Nhờ những giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an tỉnh đến các địa phương, đã nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện bị phá nhổ và tiêu hủy, tội phạm buôn bán, vận chuyển cây thuốc phiện với số lượng lớn cũng bị phát hiện bắt giữ.
Điển hình, từ ngày 9 đến ngày 21/2/2012, qua công tác trinh sát nắm địa bàn, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy Công an huyện Mường Ảng đã liên tiếp phát hiện tại khu vực rừng thuộc địa bàn bản Pú Súa và bản Hua Nặm (xã Ẳng Cang) trồng cây anh túc với tổng diện tích trên 700m2 và khu vực rừng giáp ranh giữa 3 xã Ngối Cáy (Mường Ảng), xã Nà Sáy (huyện Tuần Giáo) với xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) một diện tích rộng 6.000m2 trồng cây anh túc đang trong thời kỳ cho quả, chuẩn bị thu hoạch. Và những ngày sau đó, lực lượng phòng chống ma túy Công an huyện đã tập trung lực lượng xuống địa bàn phá nhổ và tiêu hủy toàn bộ số diện tích trên. Ngày 2/3, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy Công an huyện Điện Biên đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng là Lò Văn Phương (SN 1976), Lường Văn Biên (SN 1996) và Lò Văn Phương (SN 1989), cùng trú tại xã Mường Nhà, huyện Điện Biên vì hành vi “Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy”. Tang vật thu giữ 26 bao cây thuốc phiện tươi đã có quả, trong đó đã có nhiều cây đã bị chiết lấy nhựa. Theo lời khai của các đối tượng, thì nghe một số người nói cây thuốc phiện ngâm rượu có thể chữa bách bệnh và muốn mua về ngâm, đối tượng Lò Văn Phương (SN 1976) đã bỏ tiền thuê Lường Văn Biên và Lò Văn Phương (SN 1989) đi cùng mình vào địa bàn xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông dò hỏi. Đến 15h ngày 2/3, khi 3 đối tượng chở 22 bao xác rắn đựng cây thuốc phiện tươi về đến nhà Lò Văn Phương tại bản Na Hôm, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên thì bị các trinh sát Đội CSĐT TP về Ma túy Công an huyện Điện Biên ập vào bắt giữ. Khám xét tại chỗ, cơ quan CS ĐT tiếp tục phát hiện thêm 4 bao cây thuốc phiện đối tượng để trên nhà sàn.
Người dân đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phá nhổ thuốc phiện |
Tinh vi ở chỗ, các đối tượng lợi dụng tuyến đường độc đạo vào xã, lượng phương tiện tham gia giao thông lớn để ngang nhiên vận chuyển cây thuốc phiện, chính sự ngang nhiên ấy lại khiến người khác tưởng rằng đây là những người dân lương thiện đi lấy cỏ cho trâu bò. Nhưng những hành vi ấy lại không thể qua mặt được những cán bộ chiến sỹ đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma túy Công an huyện Điện Biên. Chính vì một bộ phận người dân tin vào những đồn thổi thất thiệt về tác dụng chữa bách bệnh của cây thuốc phiện đã khiến những kẻ kém hiểu biết về pháp luật, hoặc có hiểu biết nhưng lóa mắt vì món lợi trước mắt phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật.
Y học nói gì?
Tìm kiếm một số tài liệu báo chí, khoa học trên mạng, chỉ cần gõ từ khóa “tác dụng của rượu ngâm thuốc phiện” thì sẽ có hàng ngàn kết quả hiện ra. Trong đó có không ít bài báo kèm theo những đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về việc sử dụng rượu ngâm cây anh túc. Như đánh giá của GS.TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, hay của Bác sĩ Đặng Thị Như Hoa - Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Yên Bái…, dù cách trình bày có khác nhau, nhưng đều có những ý kiến chung nhất: Việc sử dụng rượu cây anh túc hoàn toàn chưa có tài liệu nào chứng minh công dụng chữa đau lưng, dạ dày, tráng dương, hay đẻ con trai… như đồn thổi. Tại một số tỉnh đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc, hoặc nghiện do uống loại rượu này, vì tất cả các trường hợp uống rượu ngâm cây anh túc đều có kết quả dương tính với ma túy. Ngoài ra việc uống rượu cây anh túc cũng khiến không ít người bị một số bệnh về tiêu hóa, dễ dẫn đến hoang tưởng hoặc tử vong do ngộ độc.
Việc mua cây anh túc để ngâm rượu đã tác động đến việc tái trồng, mua bán và vận chuyển cây anh túc trong một bộ phận nhân dân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Thiết nghĩ, có cầu thì mới có cung, mong rằng sau khi đọc bài viết này, những người vẫn còn ảo tưởng vào công dụng chữa “bách bệnh” của rượu ngâm cây anh túc nên dừng lại, đừng để mang bệnh vào thân, ảnh hưởng tới gia đình, xã hội chỉ vì thiếu hiểu biết hay bất chấp luật pháp./.
*Tên và chỗ ở nhân vật đã được thay đổi.
LÊ HOÀNG