Điện Biên: Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% trở lên

Thứ Hai, 02/10/2023, 16:24 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 2/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2023; phương án điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

1
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/8, lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước của tỉnh là gần 1.730 tỷ đồng trên tổng số hơn 4.620 tỷ đồng, mới đạt hơn 37,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân 39,6% của cả nước.

Trong đó, vốn ngân sách địa phương mới thực hiện giải ngân đạt hơn 41% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách trung ương đạt trên 34%; vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 38,52%...

So sánh với mục tiêu đã đặt ra tại Chỉ thị số 1375 ngày 19/4/2023 của UBND tỉnh: có 5/38 đơn vị tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 9/38 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt mức trên 50% đến dưới 70%.

Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị tập trung vào phân tích nguyên nhân giải ngân nguồn vốn còn chậm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các chủ đầu tư, các địa phương trong thực hiện kế hoạch đầu tư công còn chưa sâu sát, quyết liệt; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để;

Công tác quản lý chất lượng đối với các công trình xây dựng cơ bản còn hạn chế đặc biệt là quản lý chất lượng trong hoàn thiện hồ sơ, thi công, nghiệm thu và đưa vào sử dụng; sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư chưa nhịp nhàng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, do công trình năm 2023 chủ yếu là công trình khởi công mới nên mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ thủ tục nên một số dự án chưa khởi công, chưa có khối lượng giải ngân...

1
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm của tỉnh đang rất chậm và chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95%, trong đó đến hết Quý IV đạt trên 90%, đồng chí đề nghị: Các cấp, ngành, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trong đó phải xác định công tác giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 để chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn đối với từng danh mục dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó chú trọng công tác đo đạc, quy chủ, lập bản đồ hồ sơ địa chính về đất đai; khẩn trương kiểm đếm, lên phương án, thẩm định và phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời giải quyết. Đồng thời, quan tâm đôn đốc tiến độ, thi công xây dựng và nghiệm thu khi có khối lượng hoàn thành để giải ngân, thanh toán và hoàn ứng. Nếu nhà thầu không đủ năng lực, các chủ đầu tư cần có giải pháp xử lý để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn; tiếp tục chuẩn bị đầu tư các dự án theo kế hoạch đầu tư công năm 2024./.

 

 

Phương Dung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN

 

.