Tuần Giáo triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới

Thứ Tư, 15/06/2022, 10:54 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhằm tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, nhiều dự án khuyến nông đã được tỉnh ta thực hiện thành công. Từ hiệu quả thiết thực từ các mô hình trình diễn đã giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất để cải thiện thu nhập. Trong đó, mô hình “Trồng rau an toàn trong nhà lưới” được triển khai tại xã Quài Cang được đánh giá có nhiều triển vọng.

Để giúp cho nghề trồng rau phát triển bền vững, người trồng rau có thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, lần đầu tiên huyện Tuần Giáo đã triển khai thực hiện mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGap.

Mô hình được thực hiện theo hình thức liên kết với các hộ dân, quy mô diện tích 5.000m2. Cà chua, dưa leo, cải ngồng, cải ngọt và một số loại rau thơm, là những đối tượng cây trồng chính được lựa chọn để thực hiện mô hình.

Các hộ tham gia được tập huấn kỹ quy trình kỹ thuật từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch; được hỗ trợ 100% vốn đầu tư xây dựng nhà lưới. Qua đánh giá bước đầu, trồng rau trong nhà lưới nhờ ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu sử dụng, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng và cộng đồng.

1
Mô hình được thực hiện theo hình thức liên kết với các hộ dân, quy mô diện tích 5.000m2.

Là một trong những hộ tham gia mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của HTX dịch vụ nông nghiệp Lường Ninh, bà Lò Thị Phiên ở bản Cuông, xã Quài Cang được cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa leo theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ áp dụng triệt để quy trình sản xuất rau an toàn, sản phẩm làm ra được thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định.

Được tham gia vào dự án trồng rau an toàn trong nhà lưới, gia đình ông Lò Văn Tụi lựa chọn áp dụng trồng cà chua trái vụ. Triển khai thực hiện từ đầu tháng 1/2022, đến tháng 4/2022 cà chua bắt đầu cho thu hoạch. Sản phẩm làm ra luôn không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng do đáp đứng đầy đủ các tiêu chí nông sản sạch và an toàn.

“Tuy mới trồng vụ đầu tiên, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi nhận thấy trồng rau trong nhà lười hiệu quả tốt hơn.” - ông Lò Văn Tụi, bản Cuông, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, chia sẻ.

1
So với kiểu canh tác truyền thống, sản xuất rau trong nhà lưới năng suất tăng từ 3% đến 5%.

Việc triển khai mô hình này bước đầu tạo được sự đột phá mới trong sản xuất, giúp người nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. So với kiểu canh tác truyền thống, sản xuất rau trong nhà lưới năng suất tăng từ 3% đến 5%. Lượng thuốc trừ sâu cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/mỗi vụ. Không những thế, nếu trồng rau ăn lá, áp dụng phương thức canh tác này có thể sản xuất được từ 5 - 10 vụ/năm, do hạn chế tối đa tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên đến sự phát triển của cây trồng.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo: “Từ hiệu quả sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện, cụ thể là tại xã Quài Cang, trong thời gian tới, huyện định hướng sẽ phát triển nhân rộng, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển mô hình này. Có sự hỗ trợ của nhà nước, từ các nguồn lực kinh phí, bênh cạnh đó có sự nỗ lực của chính người dân, huyện hướng tới các vùng ven thị tứ sẽ phát triển vùng rau sạch an toàn.”

Mô hình trồng rau trong nhà lưới được triển khai ở xã Quài Cang không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân; mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp tại địa phương; cung cấp thêm nhiều nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng và góp phân nâng cao nguồn thu nhập cho người nông dân.

 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN
 

.