Huyện Điện Biên phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng cây mắc ca

Thứ Hai, 21/03/2022, 10:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mặc dù là loại cây trồng mới nhưng qua quá trình trồng thử nghiệm và thí điểm, đến nay, cây mắc ca trên địa bàn huyện Điện Biên đã sinh trưởng và phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hoạch. Mắc ca đang được kỳ vọng trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương này.

Gần 3 năm nay, từ khi dự án trồng mắc ca được triển khai trên địa bàn xã, gia đình ông Lò Minh Pánh cũng như nhiều hộ dân xã Phu Luông, huyện Điện Biên đã có thêm nguồn thu nhập từ việc phát thực bì, trồng và chăm sóc cây mắc ca.

Thời gian nông nhàn trước đây, gia đình ông không có nguồn thu nhập nào khác, kinh tế cũng vì thế mà eo hẹp. Giờ đây, ông Pánh có thêm nguồn thu nhập gần 200 nghìn đồng/1 ngày, nếu duy trì đều đặn mỗi tháng ông cũng có hơn 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

1
Nhiều hộ dân tại xã Phu Luông, huyện Điện Biên đã có thêm thu nhập từ việc chăm sóc cây mắc ca.

Tại huyện Điện Biên, từ năm 2019 đến nay, đã có 4 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh cấp phép với quy mô trên 15.000 ha. Bước đầu cho thấy, cây mắc ca trồng tại các xã trong huyện Điện Biên khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai.

Hiện nay các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại huyện Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mục tiêu đến hết năm 2022, huyện Điện Biên sẽ trồng được 4.500 ha cây mắc ca. Tuy nhiên, thời điểm này hầu hết các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn đang chậm tiến độ thực hiện do gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, sự ủng hộ, đồng thuận của một bộ phận người dân trong vùng dự án.

1
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Điện Biên tham quan diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Theo ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên: “UBND huyện đã thành lập các tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình triển khai các dự án về mắc ca. Huyện Điện Biên cũng xác định để thực hiện được mục tiêu trồng 4.500 ha trong năm 2022, khâu quyết định chính là tuyên truyền, vận động người dân…”

Theo các chuyên gia, cây mắc ca về bản chất là cây rừng, vì vậy trồng mắc ca chính là trồng lại rừng. Tại huyện Điện Biên hiện nay có rất nhiều đất trống, đồi trọc. Trồng mắc ca là một cách hữu hiệu để giữ màu mỡ cho đất, giảm lũ lụt và chống suy giảm mực nước ngầm dưới mặt đất.

Ngoài ra, việc vận động bà con tại các khu vực vùng cao trồng và chăm sóc cây mắc ca cũng là một phương án tạo việc làm cho người dân, giảm đói nghèo và các tệ nạn xã hội do đói nghèo gây ra. Nói cách khác, trồng mắc ca có thể giải quyết được ba bài toán về kinh tế, xã hội và môi trường./.

 

 

Phạm Hải - Đức Trung/DIENBIENTV.VN
 

.