Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản phù hợp với tình hình dịch bệnh

Thứ Tư, 30/03/2022, 13:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hơn hai năm qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản nhằm không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm thị trường, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh.

Hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, các nhóm tiêu thụ nông sản an toàn… được coi là giải pháp tối ưu được các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên thực hiện, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đơn cử như nhóm Zalo “Sản phẩm nông sản, đặc sản Điện Biên” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập năm 2021, thu hút gần 60 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia.

Nhóm đã cung cấp thông tin về tình hình giá cả, thị trường, các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, VietGap, chỉ dẫn địa lý… cho thành viên tham gia. Cùng với đó, qua nền tảng số, các thành viên lại tiếp tục được kết nối vào các nhóm tiêu thụ nông sản toàn quốc như: Câu lạc bộ sản phẩm OCOP toàn quốc; Câu lạc bộ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn…

1
Các địa phương, doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Hoa Ban 2022.

“Do tình hình dịch bệnh nên việc tiếp cận, quảng bá sản phẩm của các đơn vị sản xuất đến với khách hàng thông qua các hội chợ rất hạn chế, nên việc tham gia vào các hội, nhóm của Nông nghiệp sạch và những sản phẩm OCOP của tỉnh đã phần nào giúp chúng tôi giải quyết được những khó khăn đó. Việc tham gia vào các hội, nhóm này đã giúp chúng tôi kết nối, giao thương được với những đơn vị bạn để trao đổi với nhau về sản phẩm, giá cả và thị trường.” - bà Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ chia sẻ.

Năm 2022, cùng cả nước chuyển trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh”, tỉnh Điện Biên đã, đang vận dụng linh hoạt, triển khai các giải pháp nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản. Cụ thể là kết nối với các tỉnh, thành phố để giới thiệu doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ thương mại hàng nông sản.

Đơn cử như, dịp Lễ hội Hoa Ban, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ban tổ chức Lễ hội tạo điều kiện cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia 8 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tái khởi động lại gian hàng trưng bày, giới thiệu với 100% các sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, tạo trang web quảng bá sản phẩm miễn phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh…

1
Tiếp cận khách hàng thông qua thương mại điện tử đang được nhiều doanh nghiệp tại Điện Biên thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương đã tích cực, chủ động trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh bằng nhiều phương thức. Qua đó, góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cụ thể, năm 2021, Sở Công thương đã ban hành văn bản đề nghị Cục xúc tiến thương mại hỗ trợ 5 đơn vị, doanh nghiệp tham gia gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Cục cũng hỗ trợ kết nối với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại ở các địa phương đối với các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh."

Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu..., từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Xác định được mục tiêu đó, thời gian tới, Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng hóa chủ lực của tỉnh, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh có khả năng thâm nhập và tạo thị trường ổn định, hướng đến xuất khẩu.
                                

 

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN
 

.