Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 138/CP làm việc với UBND tỉnh Điện Biên

Thứ Ba, 22/09/2020, 09:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 22/9, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 138/CP do Thượng tá Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Điện Biên về việc kiểm tra, khảo sát tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ rừng.

1
Làm việc với đoàn có đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh và lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành tỉnh.

Theo báo cáo: Điện Biên có trên 954 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 695 nghìn ha. Diện tích đất có rừng tính đến ngày 31/12/2019 là trên 403 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 42%.

Từ năm 1998, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên nên không còn hoạt động khai thác chính, cơ bản chấm dứt việc khai thác gỗ gia dụng từ rừng tự nhiên, khai thác tận dụng, tận thu gỗ. Hoạt động khai thác rừng chủ yếu trên diện tích rừng trồng và cây phân tán và khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Trong những năm qua, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, chuyển nhượng đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Cụ thể từ năm 2017 đến nay xảy ra 87 điểm tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp.

Công tác giao khoán rừng và đất nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 6 tổ chức, gần 3 nghìn hộ gia đình, cá nhân và trên 1.100 cộng đồng dân cư được cấp quyền sử dụng rừng với diện tích trên 328 nghìn ha. Gần 400 nghìn ha được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trên 4.300 chủ rừng và 128 đơn vị cấp xã với trên 90 nghìn hộ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác, bảo vệ rừng từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; khởi tố điều tra 83 vụ, 69 bị can phạm tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, xử phạt vi phạm hành chính gần 1.600 vụ với số tiền trên 10 tỷ đồng.

1
Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số Sở, Ngành và đoàn công tác  đã thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, giữa các huyện trong tỉnh cũng như việc quy hoạch 3 loại rừng còn nhiều điểm chồng chéo, chưa thống nhất dẫn đến xảy ra tranh chấp rừng, đất lâm nghiệp nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra và có dấu hiệu phức tạp.

Tỉnh Điện Biên kiến nghị với Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ngành quan tâm tổ chức triển khai và hướng dẫn địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tạo động lực cho người dân tích cực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, coi đó là một ngành nghề.

Quan tâm bố trí vốn cho tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện Đề án theo Quyết định số 79 của Chính Phủ về ổn định, sắp xếp dân di cư tự do gắn với ngăn chặn tình trạng phá rừng tại huyện Mường Nhé. Đồng thời, bổ sung biên chế lực lượng kiểm lâm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

1
Thượng tá Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Thượng tá Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an chia sẻ những khó khăn với tỉnh Điện Biên trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đồng thời đề nghị lực lượng chức năng của tỉnh Điện Biên cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phân tích tình hình tội phạm để tham mưu cho chính quyền các cấp những giải pháp để huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, nhất là trưởng bản, người có uy tín trong  công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ từ cơ sở để hạn chế phát sinh tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng./.

 

Hoàng Út – Duy Hải/DIENBIENTV.VN

.