Điện Biên: Chăn nuôi bị ảnh hưởng lớn do dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm, 02/01/2020, 16:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cũng như các địa phương trong cả nước, năm 2019 vừa qua, Điện Biên bị ảnh hưởng lớn bởi dịch tả lợn Châu Phi. Dịch bệnh không chỉ gây ra sự thiếu hụt nguồn thịt lợn, đẩy giá thịt lợn tăng cao mà còn khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi còn khiến ngành chăn nuôi của tỉnh giảm đà tăng trưởng.

Dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện tại Điện Biên vào ngày 4/3/2019 tại xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo. Tính đến nay, 5.630 hộ, trên 770 thôn, 100 xã, 10/10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là gần 23.400 con lợn, tương đương với trọng lượng 1.040 tấn lợn. Dịch tả lợn Châu Phi đã làm thiệt hại gần 6% tổng đàn lợn so với trước khi có dịch.

f
Dịch tả lợn Châu Phi đã làm thiệt hại gần 6% tổng đàn lợn so với trước khi có dịch.


Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết: "Thiệt hại cũng tương đối lớn đối với ngành chăn nuôi của tỉnh, mặc dù so với các địa phương khác trong tỉnh số lợn tiêu hủy mới bằng 5,85%, thấp hơn nhiều so với nhiều tỉnh ở đồng bằng nhưng đây cũng là thiệt hại lớn đối với tỉnh nhỏ như Điện Biên. Vừa qua cũng đánh giá sơ bộ số lượng đàn lợn chỉ còn 320 nghìn con, ảnh hưởng đến cung cầu trên địa bàn tỉnh. Mặc khác, chúng ta cũng thấy Điện Biên lúc chưa có dịch cũng cần phải nhập 40% số lượng thịt hơi từ các tỉnh ngoài."

Ông Lò Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo cho biết: "Đối với dịch tả lợn Châu Phi sau khi được công bố có dịch tả trên địa bàn xã cũng thành lập Ban chỉ đạo để trực tiếp xuống các bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêu độc khử trùng, chăm sóc đàn lợn của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn xảy ra hơn 40 hộ bị thiệt hại và tổng số lợn chết cũng hơn 100 con, từ đó cũng ảnh hưởng đến kinh tế các hộ gia đình trên địa bàn xã."

Không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng đàn lợn của tỉnh, dịch tả lợn Châu Phi còn gây thiệt hại lớn đến các hộ chăn nuôi. Hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, lao đao; nhiều chuồng trại bỏ trống vì người dân hết vốn để khôi phục sản xuất và quan trọng nhất là không rõ mầm bệnh đã được tận diệt hay còn tiềm ẩn nên chưa dám tái đàn.

Đơn cử như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khởi, bản Hin 1, xã Na Sang - một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Mường Chà. Thời điểm chưa có dịch, hàng năm gia đình ông đều đặn xuất bán ra thị trường từ 3 - 5 tấn lợn thịt. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông luôn là đầu mối cung cấp thịt lợn ổn định. Nhưng từ tháng 6 năm 2019 đến nay, do dịch tả lợn Châu Phi gia đình ông phải tiêu hủy gần 4 tấn lợn. Thiệt hại về kinh tế là quá lớn và đến nay gia đình ông vẫn bỏ trống chuồng chưa tái đầu tư nuôi lợn.

"Trước kia khi chưa có dịch tả, gia đình vẫn chăn nuôi kín chuồng, bây giờ có dịch tả thì gia đình chẳng biết làm gì? đầu tư chăn nuôi con gì? Bây giờ gia đình cũng không dám đầu tư tái đàn, nếu đầu tư chăn nuôi trâu, bò thì không có người chăn thả, nuôi gà thì cũng lắm dịch bệnh, bây giờ gia đình chỉ muốn làm sao khống chế được dịch bệnh để đầu tư chăn nuôi lợn." - Ông Nguyễn Văn Khởi, xã Na Sang, huyện Mường Chà chia sẻ.

Sau những thiệt hại mà dịch tả lợn Châu Phi gây ra, tỉnh Điện Biên đã tạm ứng trên 12 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Hiện Bộ Tài chính cũng đã có công văn bổ sung cho ngân sách tỉnh trên 19 tỷ đồng để hỗ trợ lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy. Tuy nhiên, trước những thiệt hại của dịch hiện nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang loay hoay tìm hướng tái đàn cũng như chuyển đổi đàn vật nuôi. Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh và có khuyến cáo, hướng dẫn người dân kịp thời trong việc phục hồi hoặc chuyển đổi đối tượng chăn nuôi./.

 

Nguyễn Hằng - Duy Hải/DIENBIENTV.VN
 

.