Thẻ ATM: Tăng bảo mật để 'phủ sóng' tại nông thôn

Thứ Tư, 12/06/2019, 06:51 [GMT+7]

Tăng tính bảo mật và tiện ích cho thẻ tín dụng, đồng thời đẩy mạnh độ “phủ sóng” tại nông thôn… là những giải pháp quan trọng giúp các ngân hàng cạnh tranh trong phát triển thị trường thẻ tín dụng, cũng như góp phần vào mục tiêu lớn của Chính phủ trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

1
Các chuyên gia chia sẻ giải pháp phát triển thẻ tín dụng trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Lê Anh

 

Tại buổi tọa đàm “Thị trường thẻ tín dụng - cuộc đua giữa các ngân hàng và cơ hội cho người tiêu dùng” diễn ra ngày 11/6 tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, của NHNN, có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, ngành ngân hàng và người tiêu dùng.

Trong nhiều năm vừa qua, bên cạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống như séc, ủy nhiệm chi… thì dịch vụ internet banking, mobile banking cũng đã trở nên phổ biến. Các ngân hàng đã phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ cho khách hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ vậy, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán hiện chỉ còn khoảng 11%, trong khi đó 10 năm trước là 22%.

Tuy nhiên, để thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi người phải có tài khoản ngân hàng, phải có tiền trong tài khoản, trong khi đó 60% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và ít sử dụng tài khoản ngân hàng. Các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Ngay ở TPHCM, các điểm giao dịch thanh toán không không tiền mặt ở các quận, huyện ngoại thành cũng rất ít. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần có những giải pháp an toàn, bảo mặt trong thanh toán bằng thẻ mới thu hút người dân tham gia.

Tăng tính bảo mật và dịch vụ cho khách hàng

Đồng quan điểm trên, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho biết, tâm lý người dùng xưa nay thường là thanh toán tiền mặt để có thể quản lý được, kiểu "tiền trao cháo múc". Do đó để phát triển thẻ, ngân hàng cần gia tăng hơn nữa niềm tin cho cộng đồng, giải bài toán tâm lý e ngại, vấn đề bảo mật, an toàn.

Cũng theo ông Hải, thẻ ngân hàng có 2 loại là thẻ từ và thẻ chip. Hiện nay, lượng thẻ từ tại thị trường Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao, và cao rủi ro đối với khách hàng cũng chủ yếu xảy ra ở thẻ từ, do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển thẻ chip.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của vị luật sư này, một mình ngành ngân hàng không thể đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn xã hội khi nhiều cơ chế đang đi ngược với xu thế không dùng tiền mặt.

Cũng theo các chuyên gia, về nguyên tắc, khi thanh toán thẻ tín dụng, khách hàng phải tự tay quẹt thẻ nhằm tránh rủi ro. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khách hàng đưa thẻ tín dụng cho nhân viên nhà hàng đi quẹt thẻ còn rất phổ biến, điều này ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể dẫn đến lộ thông tin thẻ. Do đó, cần phải có quy trình chặt chẽ hơn trong thanh toán thẻ.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để đảm bảo tính bảo mật trong các giao dịch thẻ tín dụng, NHNN định hướng, các tổ chức tín dụng chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Theo đó, vừa qua 7 thương hiệu ngân hàng trong nước đã ra mắt thẻ chip nội địa. Đây là bước khởi đầu để đẩy mạnh phát triển thẻ chip.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, các ngân hàng thương mại sẽ chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ A TM nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn và chậm nhất đến hết năm 2021 toàn bộ thẻ từ nội dịa sẽ chuyển đổi sang thẻ chip.

 

 

Theo Chinhphu.vn

.