Nông dân huyện Điện Biên vươn lên từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân
Điện Biên TV - Những năm qua, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế được triển khai trên địa bàn huyện Điện Biên đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Gia đình ông Lò Văn Thuận ở đội 10A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên được vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi trâu bò |
Không đất canh tác, không công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh nên trước đây gia đình ông Lò Văn Thuận ở đội 10A, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên nhiều năm liền vẫn chưa thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Tuy nhiên, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Thuận đã khác, trò chuyện với chúng tôi ông Thuận cho biết: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, đất canh tác không có, lại không có vốn để mua con giống nên chẳng biết phải phát triển kinh tế kiểu gì.
Năm 2014, gia đình tôi được tham gia Dự án nuôi trâu, bò sinh sản do Hội Nông dân huyện triển khai từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với số tiền được vay 50 triệu đồng, cùng với vốn tự có, gia đình tôi đã mua được 3 con trâu và 4 con bò để nuôi sinh sản.
Được hỗ trợ và hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, giờ đây đàn trâu, bò của gia đình tôi đang phát triển khá. Mỗi năm bán trâu, bò giống gia đình tôi thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi giờ đây đã tương đối ổn định và khá giả”.
Còn đối với gia đình bà Quàng Thị Hòa ở đội 4, xã Noong Luống thì, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp bà xây dựng được mô hình chăn nuôi kết hợp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2014 gia đình bà được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để cùng tham gia dự án nuôi trâu sinh sản.
Sau hơn 5 năm tham gia dự án, giờ đây bà Hòa đã xây dựng được mô hình chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính. Cùng với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân chị đã vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố; trồng cỏ voi để cung cấp cỏ tươi trực tiếp cho đàn trâu.
Theo bà Hòa thì, chăn nuôi trâu sinh sản bằng hình thức nuôi nhốt vừa giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, lại vừa có thêm nguồn phân chuồng để nuôi cá và phục vụ trồng trọt.
Bà Quàng Thị Hòa, Đội 4, xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng khó khăn, Hội nông dân xã cũng cho vay được 40 triệu, mua được 1 con trâu, sau này trâu lớn sinh sản giờ đàn trâu của gia đình đã có 5 con. Mới đây gia đình mới bán bớt đi rồi, giờ vẫn còn 2 con đang nuôi lại sắp đẻ rồi.
Gia đình bà Hòa, ông Thuận là hai trong hàng trăm gia đình nông dân huyện Điện Biên đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Điện Biên.
Noong Luống là một trong những xã quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Từ năm 2014 đến nay, thông qua nguồn Quỹ Hộ trợ nông dân của Trung ương và của huyện đã tạo điều kiện cho 17 hộ dân trong xã vay vốn với số tiền trên 700 triệu đồng.
Các hộ tham gia dự án đã đầu tư mua trâu, bò giống, đến nay đàn trâu, bò tăng lên gấp 4 lần. Từ hiệu quả của mô hình, một số hộ đã đầu tư xây thêm chuồng trại, mua thêm con giống để tiếp tục phát triển chăn nuôi.
Hiện tại Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Điện Biên đã giải ngân được gần 4 tỉ đồng, với 13 dự án được triển khai ở 9 xã, chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi cá rô phi đơn tính.
Quỹ Hỗ trợ nông dân đã là điểm tựa cho người nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo |
Qua đánh giá của cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của bà con nông dân, tháo gỡ một phần nhu cầu về vốn cho hội viên, khuyến khích bà con, nhất là nông dân nghèo, có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra những nông sản hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập; thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Ông Vũ Văn Quyền, Phó Bí thư Huyện ủy Điện Biên cho biết: Trong những năm qua từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân thì nhiều mô hình, dự án huyện Điện Biên được nhân dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình; nguồn vốn giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế; có thể khẳng định nguồn vốn đã tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Để Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện trở thành nguồn lực thiết thực, đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, thời gian tới Hội nông dân các cấp trên địa bàn huyện Điện Biên cần quan tâm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tích cực kiển tra, giám sát về sử dụng các nguồn vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả, nợ xấu, nợ quá hạn.
Cùng với đó là, đẩy mạnh các chương trình hoạt động hướng về cơ sở, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và định hướng về tiêu thụ nông sản cho người nông dân; có biện pháp hỗ trợ nông dân các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và có đầu ra sản phẩm ổn định; cho vay để phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại nông nghiệp.
Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Điện Biên đã giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên dám nghĩ, dám làm, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống và góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Chung Dũng – Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN