Dịch tả lợn Châu Phi: Dịch bệnh nguy hiểm hay quản lý yếu kém?

Thứ Bảy, 15/06/2019, 06:33 [GMT+7]

Ở vùng có dịch tả lợn Châu Phi, màu xanh làng quê trù phú không còn, thay vào đó là màu loang lổ vôi trắng trên khắp con đường, tường nhà, trang trại.

Hàng chục nghìn hộ chăn nuôi nước ta phút chốc lâm vào cảnh “trắng tay” khi cơn “bão” dịch tả lợn Châu phi quyét qua. Chuồng lợn tan hoang, hố chôn lợn mọc lên khắp nơi. Khoản nợ ngân hàng đè nặng lên người nông dân...
 

Ở vùng có dịch tả lợn Châu Phi, màu xanh làng quê trù phú không còn, thay vào đó là màu loang lổ vôi trắng trên khắp con đường, tường nhà, trang trại.
Ở vùng có dịch tả lợn Châu Phi, màu xanh làng quê trù phú không còn, thay vào đó là màu loang lổ vôi trắng trên khắp con đường, tường nhà, trang trại.


“Chủ động và tích cực” là cụm từ nhắc lại nhiều lần trong các văn bản chỉ đạo Nhà nước mỗi khi có dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi, thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn mà dịch tả lợn Châu Phi đã liên tiếp “xuyên thủng” hàng phòng tuyến kiểm soát với tốc độ lây lan “chóng mặt” từ Bắc đến Nam.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp từ năm 2017 đến nay, ngành chăn nuôi lợn bị “vỡ trận”. Trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, người nông dân luôn là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất khi dịch bệnh xảy ra! Vai trò của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, bảo hiểm nông nghiệp đã ở đâu khi dịch bệnh hoành hành?

Nông dân, cán bộ thú y bất lực nhìn lợn chết cả đàn

Mặc dù thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi theo khuyến cáo nhưng lợn vẫn bị nhiễm dịch và buộc phải tiêu hủy cả đàn. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Người nông dân và cán bộ thú y bất lực trước dịch tả lợn Châu Phi. Khung cảnh buồn đang bao trùm nhiều vùng quê.

lon3_sajz.jpg
Lợn dịch chết chuẩn bị đem tiêu hủy.


Ở vùng có dịch tả lợn Châu Phi, màu xanh làng quê trù phú không còn mà thay vào đó là màu trắng loang lổ vôi trắng trên khắp con đường, tường nhà, trang trại. Lợn kêu inh ỏi vang cả một vùng mỗi khi cán bộ thú y tiến hành thu bắt và xử lý chôn lấp ngoài cánh đồng xa khu dân cư.

Trong nhà, người dân xót xa chứng kiến đàn lợn thân nổi vết đỏ nằm thoi thóp ở góc chuồng chờ chết. Họ đau xót sao vì bao công sức chăm bẵm bèo cám, vỗ béo và kỳ vọng dồn vào lứa lợn thì nay đã không còn, bỗng chốc gánh nặng nợ nần đè nặng lên vai.

Đứng bên cạnh chuồng nuôi, chị Bùi Thị Như, thôn 8, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cho biết đàn lợn vừa bị buộc phải tiêu hủy cách đây ít hôm. Trước khi chưa bị dịch, gia đình nuôi 5 con lợn nái và khoảng 50 con lợn thịt, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Bây giờ gia đình trắng tay, không biết đến bao giờ mới tái đàn được, còn tiền mua thức ăn gia súc cũng đang nợ đại lý mà chưa biết xoay đâu ra mà trả.

“Nuôi mãi mới được con lợn, tiêu hủy hết tiếc lắm. Điện giật nó chết tôi không dám nhìn vì thương nó lắm. Nhà nước có đền bù, cũng cân đo cẩn thận nhưng chắc không được 1 nửa giá trị của đàn. Giờ nợ nần rồi biết làm sao”, chị Như bần thần.
 

1
Cân lợn trước khi tiêu hủy.


Chính quyền địa phương đã thực hiện quyết liệt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo cấp trên như: tổ chức tuyên truyền cho người dân trên truyền thanh xã, đồng thời tổ chức các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh; phun tiêu độc khử trùng nhưng vẫn không tránh được dịch tả lợn châu Phi.

Còn theo phản ánh của các chủ trang trại chăn nuôi lợn thì họ bị dịch “tấn công” bất ngờ. Bởi theo khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn, chỉ cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học là có thể chống được dịch tả nguy hiểm nhưng thực tế thì không phải vậy.

Chị Nguyễn Thị Đào, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định tưởng rằng sau khi chủ động phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột quanh nhà có thể phòng chống. Tuy nhiên, đến nay, chị Nguyễn Thị Đào vẫn chưa hết bàng hoàng vì sao đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn.

“Nghe có dịch thì cứ 3 ngày phun khử trùng 1 lần, vãi vôi bột nhiều, làm các biện pháp như cán bộ hướng dẫn nhưng vẫn chết cả đàn luôn. Bây giờ bâng khuâng lắm, vừa tiếc cái công mình chăm sóc, tiếc tài sản nhưng cũng không còn việc làm”, chị Đào nói.

“Thất thủ” phòng tuyến chống dịch tả lợn

Tả lợn Châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc chữa. Vì vậy, ngay sau khi phát hiện 1 cá thể mắc bệnh thì buộc phải tiêu hủy cả đàn, trong đó có cả những con còn sống nhưng chưa có biểu hiện bệnh phát ra ngoài.

Tính đến ngày 30/05, cả nước có số lợn bị tiêu hủy là trên 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn.
 

1
Nhiều hộ gia đình trắng tay do dịch bệnh.


Đi nhiều nơi, phóng viên VOV đã gặp gỡ và trao đổi với nhân viên thú y của nhiều địa phương, đa số họ đều tỏ mệt mỏi rã rời vì hầu như ngày cũng phải tiêu hủy lợn nhiễm dịch. Do số lượng lợn tiêu húy quá lớn, có thời điểm không thể thuê được xe tải, máy xúc, đặc biệt là thuê người lao động trả công đến 500 nghìn/ngày nhưng vẫn không có ai nhận việc.

Chị Hoàng Thị Nhài, cán bộ thú y xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định nói như khóc: “Dịch bệnh quá nhiều, cán bộ thú y thì mệt mỏi vì làm hết công suất. Khi đi tiêu hủy thì các hộ dân họ rơi nước mắt. Cảnh chích điện vào lợn để đưa đi tiêu hủy rất là thương tâm, có con chết, có con chích mãi nó mới chết. Nhìn mà đau lòng lắm…”.

Theo báo cáo của Cục Thú y, ổ dịch tả lợn Châu phi đầu tiên phát hiện ở Hưng Yên vào ngày 01/2 và đến nay, dịch đã xảy ra tại 342 huyện của 54 tỉnh, thành phố.

Điều đáng nói Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng đã chủ động và tích cực trong công tác phòng chống và dập dịch khi dịch bệnh nguy hiểm này còn bên ngoài biên giới nhưng vẫn bất lực ngăn chặn để dịch lây lan sâu vào trong nội địa nước ta.

Tiếp đó, mặc dù Bộ đã đưa ra 02 kịch bản khác nhau, song việc phòng chống dịch đã “vỡ trận” với tốc độ lây lan nhanh từ Bắc và Nam, thậm chí còn tái phát nhiều ổ dịch cũ. Công tác quản lý nhà nước đối với dịch bệnh này còn có lỗ hổng? Trước truyền thông, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thừa nhận có hiện tượng nhiều nơi chống dịch chưa nghiêm và hệ lụy là thiệt hại ước tính đã lên đến 3.600 tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Tĩnh.., xác lợn chết nổi lềnh phềnh trên kênh, mương gây ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối. Người dân biết hành động vứt xác lợn ra sông là sai nhưng họ không khai báo để còn được nhà nước hỗ trợ nếu lợn mắc dịch tả châu Phi.

Tại Thanh Hóa, Quảng Nam, lực lượng chức năng các chốt chặn đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều xe vận chuyển lợn bị nhiễm dịch sau khi đi qua nhiều chốt chặn của địa phương khác.
 

1
Người dân đau xót nhìn của cải đem tiêu hủy.


Ngành chăn nuôi lợn ở nước ta là khu vực giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ và 10.000 hộ trang trại chăn nuôi lớn và quy mô vừa của chúng ta. Giá trị ngành chăn nuôi lợn chiếm khoảng 10% giá trị toàn ngành nông nghiệp của cả nước, tương đương với khoảng 100 nghìn tỉ đồng.

Hiện, dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã lan rộng hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 20 tháng 05 vừa qua, Ban Bí thư ban hành chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tập trung chỉ đạo, yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị để chống dịch với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc".

Phát biểu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định chưa có gì chắc chắn về việc có thể kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này: “Dự báo thời gian tới, với tình hình diễn biến thời tiết vô cùng phức tạp như năm nay, với đặc thù của bệnh này, với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, chúng tôi dự báo nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra những vùng còn lại...”.

Như vậy, những hộ nông dân còn nuôi lợn vẫn phải sống thấp thỏm lo âu vì dịch bệnh tả lợn châu phi sẽ có thể bất ngờ “tấn công” bất cứ lúc nào. Kéo theo nông hộ phá sản là những doanh nghiệp, đại lý bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng điêu đứng.

Hơn thế nữa là các chủ trang trại lợn cũng chưa biết lúc nào có thể tái đàn tiếp tục kế sinh nhai trong khi nguy cơ mất “sổ đỏ” đang dần hiện hữu bởi trang trại chủ yếu được hình thành trên vốn vay ngân hàng.

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân có lợn chết tương đương với 80% giá lợn hơi trên thị trường. Tuy nhiên, nếu đàn lợn không bị nhiễm bệnh thì chỉ 2-3 tháng tới, sẽ mang lại giá trị cao gấp nhiều lần. Rõ ràng, trên thực tế, những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu là rất lớn hơn so với mức hỗ trợ của Nhà nước.

Chỉ trong 03 năm qua, từ khủng hoảng giá, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh và nay lại thêm dịch tả lợn châu Phi, thất bại chồng thất bại, người chăn nuôi tủi thân vì cảm thấy đơn độc khi tự vùng vẫy để thoát khỏi rủi ro. Ngành nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y và bảo hiểm nông nghiệp đã ở đâu khi dịch bệnh bủa vây đàn lợn?./.

 
 

 

Theo Sơn Lâm- Lê Bình/VOV

.