Đề xuất đánh thuế TTĐB điện thoại di động, mỹ phẩm: Tận thu?
Các chuyên gia cho rằng, hiện điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành vật dụng thiết yếu, thông dụng, đánh thuế TTĐB là không phù hợp.
Như VOV.VN đã đưa tin, tại văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, UBND TP.HCM kiến nghị nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Theo lý giải của TP.HCM, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Điện thoại di động là vật dụng thiết yếu, thông dụng của đa số người dân hiện nay (Ảnh minh hoạ: KT) |
Còn nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB vì loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc nhóm khá cao cấp. Điều này giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Kìm hãm sự phát triển kinh tế số
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, thuế TTĐB được sử dụng chủ yếu để hướng dẫn tiêu dùng nhằm giảm thiểu tiêu dùng ở 1 số mặt hàng có tác hại đến môi trường, đến đời sống kinh tế xã hội, nền văn hoá truyền thống của dân tộc, thuần phong mỹ tục hay ảnh hưởng đến sự an toàn, an ninh chính trị xã hội và các mục tiêu khác do quốc gia đặt ra.
Tuy nhiên, đánh thuế TTĐB vào điện thoại di động là không phù hợp bởi hiện nay hầu hết người dân Việt Nam đều sử dụng điện thoại di động, thậm chí, điện thoại di động là vật bất ly thân của nhiều người.
“Chúng ta đang mong muốn phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng điện thoại di động có vai trò rất quan trọng trong hoạt động tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, điều khiển các thiết bị thông minh như smart home thì rõ ràng đánh thuế điện thoại di động là ko hợp lý”, PGS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
PGS. Thịnh cho rằng, sử dụng điện thoại di động là nhu cầu phổ biến, thông dụng của người dân. Khi đưa ra 1 đề xuất đánh thuế phải nghĩ đến 3 điều: thứ nhất là những người làm chính sách và hiểu biết về thuế có chấp nhận không để đưa nó thành chính sách; thứ 2, người dân – người trực tiếp chịu tác động của chính sách thuế đó có phản ứng như thế nào, có chấp thuận hay không; thứ 3, về cơ sở đánh thuế có khoa học hay không.
“Nếu đề xuất đánh thuế điện thoại di động nói chung mà đưa ra thì chắc chắn sẽ không được chấp thuận, ngoại trừ việc đánh thuế 1 số loại điện thoại di động đặc biệt và đắt tiền lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng thì lại là vấn đề khác”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá đề xuất của UBND TP.HCM là không thể chấp nhận được. Bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo tác động mạnh mẽ tới quá phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác. Điện thoại di động bên cạnh chức năng căn bản là kết nối liên lạc, trao đổi thông tin giữa người với người, còn là công cụ tra cứu thông tin, tuyền tải dữ liệu, kết nối giao dịch tài chính.
“Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc khuyến khích người dân sử dụng ví điện tử và nhiều công cụ thanh toán trực tuyến khác mà đề xuất như vậy là rào cản ngăn sự phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0”, PGS Ngô Trí Long nhận định.
Có tính chất tận thu
Không chỉ đề xuất đánh thuế TTĐB đối với điện thoại di động, TP.HCM còn đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước hoa, mỹ phẩm. Tuy nhiên, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, trước đây, hoá mỹ phẩm, son phấn là mặt hàng bị đánh thuế, thậm chí đánh thuế rất cao, lên tới 100%, nhưng đó là thời kỳ kháng chiến cứu quốc, đời sống người dân thấp nên số người sử dụng son phấn không nhiều, thậm chí những người sử dụng son phấn bị coi là tiểu tư sản. Tuy nhiên, bây giờ đời sống xã hội đã khác, rất nhiều người, không chỉ phụ nữ, thậm chí cả nam giới cũng sử dụng mỹ phẩm, nước hoa.
“Mức sống của người dân hiện đã nâng cao, sự đòi hỏi của thời đại cũng như sự thay đổi của thời thế làm cho mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa không nên bị coi là mặt hàng phải đánh thuế TTĐB nữa. Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của rất nhiều người dân, không chỉ người giàu mà ngay cả người thu nhập thấp nên đánh thuế TTĐB mặt hàng này là không hợp lý”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Theo nhiều chuyên gia, UBND TP.HCM đưa ra lý do đánh thuế nhằm mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên là không phù hợp mà động cơ ở đây là tăng ngân sách và có tính chất tận thu. Các chuyên gia cho rằng, chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà. Bởi tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển.
"Mỗi loại thuế có mục đích khác nhau, trong bối cảnh nguồn thu thuế xuất nhập khẩu giảm nên phải tăng thu nội địa, vì các sắc thuế cũ không thể nâng mức lên được phải mở rộng, đề xuất thêm đối tượng đánh thuế. Tuy nhiên, với điều kiện thu nhập bình quân đầu người còn thấp, hơn 2.500 USD/năm, muốn kích thích sản xuất, tiêu dùng phải khoan sức dân, muốn có nguồn thu cần nuôi dưỡng nguồn thu", PGS. Ngô Trí Long nêu ý kiến./.
Theo Cẩm Tú/VOV