Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế
Kinh tế tư nhân có triển vọng phát triển hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo với khả năng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Nhận định về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay: “Nói về tư nhân, không chỉ là câu chuyện về tư nhân mà gắn với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là tư nhân cần làm gì mà là câu chuyện của chính sách. Tôi nghĩ gắn với 3 chữ: thoát cũ, hoàn thiện cái đang có và xây mới. Chúng ta đã mất tới hơn 30 năm mới thoát cũ, dài quá. Khu vực tư nhân đóng vai trò thế nào mà đến gần đây mới nói là quan trọng, động lực? Lâu quá. Tôi không muốn dùng chữ nghĩa là quan trọng đến đâu, thứ nhất hay vừa phải và cùng với cái gì để quan trọng. Tôi thích những con số: hàng triệu hộ gia đình, 700 doanh nghiệp, hàng nghìn startup, đó là rất nhiều những hoạt động tư nhân mà chúng ta chưa thống kê được, chưa quan sát được”.
Những đóng góp này cũng được thống kê chi tiết trong thành tựu chung kinh tế-xã hội đất nước 2018 – khi tất cả các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, kinh tế tư nhân được khẳng định: “ngày càng trở thành động lực quan trọng”.
Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. |
Tiến sỹ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế tư nhân có triển vọng phát triển hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo với khả năng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Mọi thành phần trong khối cần nhận thức rõ chưa khi nào có được cơ hội-thuận lợi để phát triển như bây giờ, để tính toán các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, lối đi cho doanh nhân - doanh nghiệp tư nhân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, chặt chẽ và công bằng.
“Khối kinh tế tư nhân trong chừng mực nào đấy không bị phân biệt đối xử như trước mà nhiều doanh nghiệp đầu tàu còn được ưu tiên. Khó khăn thì mang tính truyền thống khi Việt Nam có 94-95% doanh nghiệp nhỏ và vừa nên cũng như nhiều nước, các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận thị trường vốn-tín dụng, mặt bằng, kinh doanh cũng như có thể có những cản trở về pháp luật. Đó là những thực tế. Bối cảnh mới – chúng ta chịu tác động lớn của 4.0 hay các hiệp định thương mại tự do thì phải làm sao Chính phủ có những chế tài để kiểm soát giảm bất bình đẳng khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước; có chính sách kết nối các doanh nghệp nhỏ và vừa trong nước với nhau và với nước ngoài”, Tiến sỹ Lê Xuân Sang nói.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom khẳng định, doanh nhân - doanh nghiệp nói chung, doanh nhân - doanh nghiệp tư nhân nói riêng đều có quyền mong muốn được Nhà nước trang bị thượng phương bảo kiếm, đó là một hệ thống pháp luật chặt chẽ, xuyên suốt, rõ ràng hơn.
Trong đó, quan trọng là cần một hệ thống minh bạch về thuế - từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến thuế thu nhập cá nhân. Một hệ thống thuế minh bạch và đầy đủ không chỉ mang lại sự công bằng và hấp dẫn các doanh nhân tư nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư trên đất nước ta mà đồng thời giúp các doanh nhân tư nhân có cơ hội cạnh tranh - tăng trưởng bình đẳng ngay trong chính sân nhà.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, cuộc cách mạng 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho chính các doanh nhân - doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế mới, con người - lực lượng lao động vẫn là những giá trị cốt lõi mà các doanh nghiệp cần quan tâm, coi trọng nếu muốn phát triển bền vững trong thương trường.
“Một trong những giải pháp quan trọng là doanh nghiệp phải xác định rõ được văn hóa doanh nghiệp, triết lý của mình và phải tuân thủ, kiên trì theo đuổi văn hóa đấy, tuân thủ pháp luật, hướng tới cộng đồng thì lợi ích mới bền vững. Thứ 2, phải chia sẻ lợi nhuận với đối tác - không ai kinh doanh được một mình và phải nắm bắt được tinh thần hội nhập vì khi đã tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu với các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp không thể một mình một chợ được”, ông Nguyễn Quang Huân cho hay.
Từ thực tiễn - hiệu quả hoạt động - đóng góp của khối kinh tế tư nhân cho nền kinh tế, cho đến triển vọng phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã và đang định hướng chỉ đạo, đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm nội địa. Con số mục tiêu tăng gấp rưỡi vào năm 2025 với 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân và tăng tỷ lệ đóng góp lên 55% GDP.
Năm 2030, mục tiêu tối thiểu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân và tổng sản phẩm nội địa khối này đóng góp ước đạt từ 60-65%. Đây được nhận định là mục tiêu khả quan nếu như những bất cập trên sớm được quan tâm giải quyết – trở thành động lực thúc đẩy “vai trò không thể thay thế” của kinh tế tư nhân.
Hy vọng những giải pháp hữu hiệu sẽ được cộng đồng doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế bàn luận - chỉ rõ - đề xuất cụ thể, đồng thời sẽ được Chính phủ định hướng, chỉ đạo sát sao ngay trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 được tổ chức trong 2 ngày: 2-3/5 tại Thủ đô Hà Nội./.
Theo Thu Trang/VOV