10 năm trồng cao su, nhiều người dân Sơn La "vỡ mộng" vì thất thu
Sau hơn 10 năm phát triển cây cao su, không ít gia đình ở Sơn La đã lâm vào tình cảnh khốn đốn vì thất thu từ cao su.
Cây cao su được đưa về trồng ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc từ năm 2008. Khi ấy, loại cây này được đánh giá là sẽ phát triển tương đương với cao su trồng ở Đông Nam Bộ và là cây đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa thực hiện nhiệm vụ của rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bảo vệ đất, chống xói mòn. Tham gia góp đất trồng cao su, người dân việc làm ổn định, thu nhập bền vững…
Thế nhưng, sau hơn 10 năm phát triển cây cao su, không ít gia đình đã lâm vào tình cảnh khốn đốn vì thất thu từ cao su và hiện đang trăn trở với suy nghĩ có nên tiếp tục mỏi mòn chờ đợi? Chính quyền địa phương sẽ làm gì khi người dân đang loay hoay về cây cao su?
Căn nhà tuyềnh toàng, trống hoác của gia đình chị Lò Thị Thuông, bản Củ Pe, huyện Mai Sơn. |
Trong căn nhà sàn tuyềnh toàng, trống hoác, tường nhà bên vách liếp, bên tường đất với những vệt vôi cũ kỹ, chị Lò Thị Thuông, dân tộc Thái, người dân ở bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La không thôi phàn nàn: Phải chi gia đình không tham gia góp đất trồng cao su, thì chắc đã làm được nhà đàng hoàng cho các con ở, cuộc sống không túng thiếu như hiện nay.
Năm 2008, khi chính quyền vận động người dân tham gia góp đất trồng cây cao su với viễn cảnh tươi sáng: có việc làm, thu nhập ổn định; cao su là cây có giá trị kinh tế cao, gia đình sẽ nhanh chóng khấm khá… Nghe thế, vợ chồng chị đã góp toàn bộ 1 héc ta diện tích đất nương của gia đình trồng cao su. 7 - 8 năm rồi 10 - 11 năm mòn mỏi, cho đến nay, cây cao su vẫn chưa được khai thác, đồng nghĩa với việc gia đình chưa được chia một đồng lợi nhuận nào, vì thế, cuộc sống rất khó khăn. Gần 1 năm nay, chồng chị cũng bỏ không làm công nhân cho công ty cổ phần cao su Sơn La nữa vì lương rất thấp, lại bấp bênh; cả nhà 5 miệng ăn cùng chi phí học hành cho 3 con giờ chỉ trông chờ vào tiền công thuê mướn qua ngày của vợ chồng chị.
Chị Lò Thị Thuông nói: "Chúng tôi quá khổ vì mấy năm trồng cây cao su, đến nay chúng tôi chưa được cạo mủ, và suốt mấy năm qua gia đình cũng chưa có tí lợi ích kinh tế nào từ cây này. Không có đất để trồng cấy, bây giờ hàng ngày chúng tôi chỉ biết đi làm thuê làm mướn, tiền công mỗi ngày được 1 trăm nghìn, nhưng số tiền này coi như chỉ đủ bản thân mình ăn, còn chồng còn con, học hành này nọ của bọn trẻ… thiếu thốn lắm".
10 năm tuổi, nhưng nhiều cây cao su thân rất bé. |
Vợ chồng chị Lò Thị Thân, cùng bản Củ Pe cũng đã bỏ, không còn làm công nhân cho công ty cổ phần cao su Sơn La từ 2 năm nay. Góp toàn bộ 2 héc ta đất trồng cao su, những mong cuộc sống sẽ đỡ vất vả, năm đầu còn được 2 đến 3 triệu 1 tháng, nhưng khi cây cao su khép tán, mỗi tháng chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Nay “vỡ mộng” về thứ cây này, gia đình chỉ muốn lấy lại phần đất đã góp để canh tác ngô, sắn như trước, có thu nhập đều đều, cuộc sống đỡ vất vả:
"Ban đầu họ nói là cao su xóa đói giảm nghèo, nhưng bây giờ dân càng nghèo hơn. Bây giờ bà con trong bản ai cũng muốn công ty trả đất cho bà con trồng cà phê, trồng sắn ăn thôi", chị Lò Thị Thân chia sẻ.
Một số diện tích đã cho cạo mủ, nhưng lượng mủ ít. |
Với các hộ dân cao su đã cho khai thác mủ, tình cảnh cũng không mấy khả quan. Ông Bạc Cầm Sươn, ở bản Hụm, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu là một trong những hộ được khai thác mủ sau hàng chục năm gắn bó với cây cao su. Tuy nhiên, trong năm đầu khai thác này, bình quân mỗi tháng, gia đình ông thu được 1,5 tạ mủ cao su.
Với giá 3,7 triệu đồng một tạ mủ như hiện nay, bình quân mỗi tháng, ông chỉ được thu 600 nghìn đồng, trừ tiền nộp bảo hiểm, ông còn nhận về ngót nghét 300 nghìn đồng. Nhà có 5 nhân khẩu, với mức thu này, ông không biết sống bằng cách nào. Ông cho biết, nhiều hộ ở bản ông đã không đi cạo mủ cao su nữa mà đi làm thuê ở ngoài, vì ít nhất đi làm thuê cũng được từ 150 đến 200 nghìn đồng một người một ngày. Nếu cứ tình cảnh này, ông và bà con trong bản không mấy ai còn mặn mà với cây cao su.
Được biết, để giúp người dân góp đất trồng cao su có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, ngày 18 tháng 3 năm 2011, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 363 về chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn.
Theo Nghị quyết này, các cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất trồng cây cao su, nhưng không đủ 1 ha hoặc trên 1 ha, nhưng không có lao động tham gia làm công nhân tại Công ty Cổ phần Cao su Sơn La được hỗ trợ về vốn phát triển sản xuất và đào tạo chuyển đổi ngành nghề, với mức 3 triệu đồng/ha/năm/hộ trong thời gian 7 năm để mua phân bón, giống cây lương thực, hoa màu, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm khi chưa có thu nhập từ cây cao su… Tuy nhiên, đến nay đã là 8 năm sau khi Nghị quyết được ban hành, không ít vùng, bà con vẫn chưa được nhận khoản hỗ trợ này.
Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu cho biết: "Thực tế đến thời điểm này, bà con đã trồng cao su được 8-9 năm rồi, nhưng chưa được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 363, bà con rất khó khăn. Vì vậy, xã cũng mong cấp trên quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về việc thực hiện chính sách hỗ trợ này.
Nhiều người trồng cao su ngao ngán: "Cao su xanh nhưng đời mình không xanh". |
Hàng chục năm chờ đợi, sống mỏi mòn dưới tán cao su, nhưng hiệu quả kinh tế vẫn còn ở tương lai xa; nhiều chỗ cho khai thác với năng suất thấp; hoặc cây cao su đã gần 10 năm tuổi vẫn chưa khai thác được. Đã thế, người dân nhiều vùng vẫn chưa được nhận khoản hỗ trợ nào từ chính quyền, trong khi chính sách hỗ trợ đã ban hành từ lâu. Thực tế này đang khiến người trồng cao su Sơn La hao mòn niềm tin với thứ cây “vàng trắng” này khi họ đang “sống dở, chết dở”, không ít nhiều người thốt lên: “Cây cao su xanh, nhưng đời mình không xanh”!./.
Theo VOV