Sức hút Điện Biên
Điện Biên TV - Một vùng đất cổ kính, miền biên giới có vị trí đắc địa trên tuyến đường xuyên Á, miền đất gắn với sự kiện lịch sử chấn động năm châu của dân tộc Việt Nam ; Một vùng đất có tài nguyên thiên nhiên phong phú, một vùng dân cư trù mật, một vùng văn hóa đa dạng, độc đáo; vùng đất đầy sức thu hút đang vươn lên tạo bước đột phá từng ngày: Điện Biên.
Nằm trên dải biên giới Tây Bắc - Việt Nam, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp hai nước Lào và Trung Quốc. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 9.560 km2, dân số trên 57 vạn người với 19 dân tộc cùng sinh sống. Miền đất này gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “ Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” . Ngày nay nơi đây trở thành miền đất đầy cuốn hút với sức vươn từng ngày, mạnh mẽ.
Thương hiệu gạo Điện Biên khẳng định vị trí trên thị trường |
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, vận dụng tốt các nguồn đầu tư, Điện Biên đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ du lịch, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Với địa hình, khí hậu phân hóa da dạng, Điện Biên không chỉ có những vùng sinh cảnh độc đáo, mà còn có sản vật phong phú. Nguồn tài nguyên thiên nhiên ấy chính là lợi thế để Điện Biên đầu tư khai thác.
Trong 3 năm trở lại đây, thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ nông sản tỉnh đã có bước đột phá. Toàn tỉnh hiện có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân. Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản khá thành công với 2 dự án cánh đồng lớn, quy mô 92 ha, thực hiện tại các xã Thanh Yên và Thanh Hưng.
Các chuỗi liên kết này đang góp phần khẳng định hơn nữa thương hiệu gạo Điện Biên, tạo nguồn thu cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Bên cạnh sản xuất lúa gạo đặc sản, 5 năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng cây công nghiệp như cao su, chè, cà phê, mắc ca.
Sản phẩm chè Tuyết Shan của vùng cao nguyên đá Tủa Chùa, sản phẩm cà phê Mường Ảng đang được xây dựng trở thành các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu trên toàn quốc. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng chuyên lúa gạo chất lượng cao và cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nhằm xây dựng thương hiệu cho nông sản, là hướng đi đang được tỉnh Điện Biên đặc biệt ưu tiên.
Toàn tỉnh hiện có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân |
Không chỉ có các sản phẩm đặc trưng trong nông nghiệp, Điện Biên còn có lợi thế về du lịch. Đó là những miền sinh cảnh độc đáo, là quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ nổi tiếng trong nước và thế giới. Điện Biên cũng có 19 dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đa dạng. Lợi thế này đang được Điện Biên khai thác hiệu quả, đúng hướng.
Điều này được thể hiện qua việc tỉnh tập trung đầu tư cho các tuyến, các điểm du lịch trọng điểm như: Tuyến du lịch Điện Biên Phủ - Pa Khoang – Mường Phăng ; phát triển du lịch trên miền cao nguyên đá Tủa Chùa ; miền sông nước thị xã Mường Lay ; vùng ngã ba biên giới Sín Thầu – Mường Nhé.
Nhiều doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đã góp phần làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch tỉnh ngày càng phát triển. Năm 2018 về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, toàn tỉnh có 145 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 2 khách sạn 3 sao và hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Về hoạt động lữ hành, trên địa bàn có 5 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Hoạt động du lịch trên địa bàn đã tạo việc làm cho 13.500 lao động, trong đó có 5.500 lao động trực tiếp.
Các dịch vụ du lịch đã đem lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh hàng năm. Năm 2018, Điện Biên thu hút trên 705 ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế ước đạt 151.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2018 đạt trên 1.155 tỷ đồng. Du lịch Điện Biên đang ngày càng có sức hấp dẫn riêng.
Ông Đoàn Văn Chì – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên cho biết: Có thể nói sau một số năm tổ chức Lễ hội hoa Ban, chúng tôi đánh giá du khách đến Điện Biên trong 3 năm vừa rồi tăng hơn các năm về trước như: năm 2017 tăng so với năm 2016 là 25%, năm 2018 tăng so với năm 2017 là 17,5% và tổng thu từ du lịch tăng, năm 2018 đạt 1.155 tỉ so với 1.150 tỉ đặt ra, đóng góp cho địa phương nhiều hơn. Khách du lịch đến Điện Biên thời gian lưu trú lâu hơn, khách đã ở lại lâu hơn và có nhiều địa chỉ văn hóa để đến thăm.
Là tỉnh có vị trí địa lí nằm trên tuyến đường xuyên Á, có đường biên giới và các cửa khẩu giao thương với 2 nước Lào và Trung Quốc, Điện Biên đang kêu gọi đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu Tây Trang đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục, cửa Khẩu Huổi Puốc – Na Son, lối mở A Pa Chải – Long Phú được mở rộng, nâng cấp, là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu với các tỉnh Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc, Myanmar và các nước Đông Nam Á.
Đường bay Hà Nội – Điện Biên, Điện Biên – Hà Nội với tần suất 2 chuyến/ngày, cũng tạo nhiều thuận lợi cho du lịch và các dịch vụ giao thương của Điện Biên thêm phát triển |
Đường bay Hà Nội – Điện Biên, Điện Biên – Hà Nội với tần suất 2 chuyến/ngày, cũng tạo nhiều thuận lợi cho du lịch và các dịch vụ giao thương của Điện Biên thêm phát triển. Bên cạnh đầu tư cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp Điện Biên trong những năm gần cũng được chú trọng, đặc biệt là khai thác tiềm năng thủy điện với 10 nhà máy thủy điện được cải tạo và xây dựng mới đang hoạt động. Với tổng công suất lắp máy 134,1 MW, các nhà máy thủy điện này đã bổ sung đáng kể cho mạng lưới quốc gia.
Với tiềm năng lợi thế đang từng bước được đầu tư, khai thác đúng hướng, hạ tầng kinh tế dần được cải tạo nâng cấp, trong khoảng một thập niên trở lại đây, kinh tế Điện Biên luôn giữ mức tăng trưởng ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh cũng tăng theo từng năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng.
Trong những năm 2010 – 2015, GRDP của Điện Biên đạt 9,1%/năm ; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 23,6 triệu đồng/người/năm. Bước sang giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 8,3%/năm ; Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 27,31 triệu đồng/người/năm ; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Ba năm liền từ 2016 đến 2018, thu ngân sách địa phương đều đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư đã giúp cho Điện Biên có được bước phát triển như hiện nay. Giải pháp để tỉnh phát huy hiệu quả chính sách thu hút đầu tư là: Khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ; cải thiện môi trường kinh doanh ; nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính ; công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình, quy định để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận dễ dàng, tạo động lực và sự đột phá về thu hút đầu tư.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Điện Biên 3 năm gần đây đã được cải thiện, từ vị trí cuối cùng so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2015, đã vươn lên đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố năm 2017 và năm 2018 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Điện Biên tăng 1 bậc đứng thứ 47. Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) năm 2017 đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố.
Một góc TP Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên |
Giai đoạn từ nay đến 2020 Điện Biên sẽ tập trung đầu tư vào trên 100 dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp ; công nghiệp, xây dựng, thương mại, du lịch, cửa khẩu ; phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường.
Điện Biên cũng ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Đến với Điện Biên, các nhà đầu tư sẽ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhất quán, như: Ưu đãi về miễn giảm thuế, ưu đãi nhập khẩu, khấu hao tài sản cố định, ưu đãi về sử dụng đất. Bên cạnh đó tỉnh cũng hỗ trợ nhà đầu tư về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ tín dụng đầu tư và giải phóng mặt bằng, đồng thời hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn.
Điện Biên hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn với các dự án đầu tư có tính khả thi cao, mang lại nhiều lợi ích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Minh Giang/DIENBIENTV.VN