Nông dân Nậm Pồ chinh phục vùng đất khó
Điện Biên TV - Những năm qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ tập trung phát huy vai trò của tổ chức Hội, thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ðặc biệt là việc định hướng phát triển kinh tế cho các hội viên nông dân nghèo. Nhờ năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, những người nông dân ở Nậm Pồ đã lựa chọn cho mình những cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn với 63% hộ dân thuộc diện hộ nghèo; trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu, tuy vậy tại vùng đất Nậm Pồ vẫn còn muôn vàn gian khó này đã xuất hiện những người nông dân biết tìm tòi, vận dụng những cách làm mới đầy sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao thu nhập. Bản Pắc A1 - nơi sinh sống của 100% đồng bào Mông.
Gia đình ông Giàng A Phổng là hộ có kinh tế vững nhất. Sở hữu đàn trâu 6 con, trên 1000 m2 ao cá và vài ha nương rẫy, mỗi năm gia đình ông Phổng có khoản tích lũy hàng chục triệu đồng. Mặc dù đây đã là mức thu nhập mơ ước đối với nhiều người ở vùng cao, nhưng với riêng ông Phổng thì hoàn toàn chưa thỏa mãn khát vọng làm giàu.
Ông Giàng A Phổng - bản Pắc A 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương dám nghĩ dám làm để nhiều người noi theo. |
Ông Giàng A Phổng, Bản Pắc A 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ cho biết: Gia đình tôi muốn trồng thêm cây cánh kiến và cây chè để phơi khô uống. Cây Sa nhân tôi đã trồng được hơn 1 năm, giờ đã phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.
Tại xã Nậm Khăn, để giải bài toán giảm nghèo nhanh và bền vững, cấp ủy, chính quyền nơi đây xác định hướng phát triển chính sẽ chủ yếu dựa vào rừng. Với phương châm “lấy rừng nuôi ruộng”, những năm gần đây, nhiều gia đình đã sử dụng tiền chính chi trả dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư thâm canh lúa và phát triển chăn nuôi. Gia đình bà Lường Thị Thắm là một trong những điển hình.
Lựa chọn cho gia đình mình hướng phát triển kinh tế dài lâu là chăn nuôi, gia đình ông Lò Văn Sơ ở bản Nậm Đích, xã Chà Nưa quyết tâm dành toàn bộ nguồn vốn huy động được, để dầu tư phát triển đàn đại gia súc. Do nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp với mô hình kinh tế trang trại, từ 7 con bò và 1 con trâu ban đầu, nhờ chăm sóc tốt và biết cách cách tái đầu tư phù hợp, số lượng gia súc tăng dần theo từng năm. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng đàn gia súc của gia đình ông Sơ đã lên tới 42 con.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ, cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, ở huyện biên giới Nậm Pồ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Kết quả đó có vai trò đồng hành rất lớn của tổ chức Hội nông dân. Hiện các cấp Hội nông dân huyện Nậm Pồ đang quản lý hơn 50 tổ tiết kiệm vay vốn, với 2.200 thành viên. Tổng dư nợ đạt gần 60 tỷ đồng. Ở mỗi chi hội, nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ cho biết: Chúng tôi đã vận động ký kết với 12 hộ thành lập một mô hình liên kết sản xuất, mà cụ thể là mô hình chăn nuôi trâu bò sinh sản ở xã Chà Nưa. Cùng với đó, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho gần 2000 hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ gần 60 tỷ đồng. Qua những hoạt động này, các hội viên nông dân đã từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Với những chính sách thiết thực được các cấp Hội nông dân huyện Nậm Pồ triển khai, ngày càng có thêm nhiều hộ nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất cũ để nâng cao thu nhập. Chủ động tự vươn lên làm kinh tế, hạn chế bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà Nước, đây là minh chứng sinh động về sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và cũng là tín hiệu tích cực để người nông dân Nậm Pồ vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất còn nhiều gian khó này./.
Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN