Điều hành giá xăng dầu: Minh bạch nhưng chưa công khai?
Giá xăng dầu cũng như thị trường nhập khẩu mặt hàng xăng dầu đã minh bạch hơn nhưng vẫn ít được công khai cho người dân được biết.
Từ đầu năm 2019 đến nay, sau nhiều lần dùng biện pháp can thiệp để giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, chiều 2/4 vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng giá đồng loạt đối với mặt hàng xăng dầu đều ở mức trên 1.000 đồng/lít, cá biệt có mặt hàng xăng còn tăng đến gần 1.500 đồng/lít.
Đáng lẽ giá xăng dầu còn tăng cao hơn?
Theo lý giải của Liên Bộ, việc điều hành giá xăng dầu là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo giá bán xăng dầu trong nước phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và tình hình thực tế của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời tiếp tục góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân,
Cụ thể hơn về việc này tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra chiều 2/4, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, việc tăng giá này là điều "không ai muốn" và lẽ ra giá xăng có thể tăng hơn 3.000 đồng/lít nếu không chi sử dụng Quỹ Bình ổn. Cụ thể là nếu không dùng tiếp Quỹ Bình ổn xăng dầu thì mỗi lít xăng E5RON 92 đã tăng trên 3.400 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 2.800 đồng/lít.
Dù rất chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Giá xăng phải theo thế giới". |
Chia sẻ với khó khăn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cũng như người dân tiêu dùng, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu chu kỳ 15 ngày/lần theo quy định của Nghị định 83 là có công thức áp dụng. Do đó, sau 15 ngày mọi người có thể tính toán biết được chiều hướng tăng hoặc giảm.
“Thực tế việc điều chỉnh giá có sử dụng hỗ trợ cả từ Quỹ Bình ổn tác động điểm nào đó, Nhà nước không bỏ ngân sách can thiệp trong điều hành. Đây chính là các biện pháp điều tiết của nhà nước” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Vận tải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu. Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội - ông Bùi Danh Liên cho biết, xăng dầu chiếm đến 40% trong giá thành vận tải. Chính vì thế, việc tăng hay giảm giá xăng dầu đều tác động trực tiếp đến việc lưu thông nói chung và của các doanh nghiệp vận tải nói riêng.
Tuy đồng tình với việc điều hành giá xăng dầu theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nhưng ông Liên cho rằng, nhiều doanh nghiệp vận tải hiện nay vẫn còn phải trả nhiều khoản chi phí không chính thức. Chính vì thế, việc tăng giá cước vận tải nhiều khi không hẳn là do tăng giá xăng mà là động thái, là cơ hội để doanh nghiệp bù đắp các khoản chi không chính thức khác.
“Giá xăng dầu và các loại giá khác có tác động qua lại lẫn nhau nên không chỉ riêng ngành vận tải chịu tác động. Thị trường hàng hóa, tiêu dùng, chi phí sản xuất khác đều phải tăng theo giá xăng nên không trực tiếp thì cũng gián tiếp tác động đến giá cước vận tải, các doanh nghiệp không còn cách nào khác”, ông Liên nhận định.
Phân tích ở góc độ thị trường, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, câu chuyện tăng, giảm giá xăng dầu theo giá thế giới là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng và của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, thời gian qua vấn đề giá cũng như thị trường nhập khẩu mặt hàng xăng dầu có thể nói là minh bạch nhưng vẫn ít được công khai cho người dân được biết.
“Những chi phí, lợi nhuận của ngành xăng dầu vẫn còn là dấu hỏi lớn khiến cho mỗi kỳ điều hành, giá xăng dầu tăng hay giảm người dân cũng đều có thắc mắc và tâm lý xáo trộn”, ông Phú nói.
Điều hành giá xăng dầu trong 48 giờ
Cho rằng thị trường xăng dầu hiện nay dưới sự điều tiết của nhà nước nên vẫn mang hơi hướng của sự độc quyền, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lập luận rằng, điều này đang làm giảm tính cạnh tranh khi chưa có nhiều doanh nghiệp độc lập, hoặc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu trong nước. Chính vì thế nên mặt hàng nguyên liệu đầu vào này sẽ còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đời sống dân sinh.
Giải pháp cho vấn đề này theo chuyên gia Vũ Vinh Phú là nên tính đến việc hình thành các kho, cảng dự trữ xăng dầu quốc gia. Thay vì việc dùng nguồn tiền của Quỹ Bình ổn giá, cơ quan quản lý nên thiết lập cơ chế dự trữ năng lượng những khi giá xăng dầu giảm, bình quân gia quyền lại cho các doanh nghiệp đầu mối những khi nguồn cung thiếu hụt hoặc những khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, điều này sẽ tránh tác động cho nền kinh tế và kéo giảm lạm phát.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nên điều hành giá xăng dầu trong 48 giờ. |
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 2/4 là việc làm bất khả kháng của Liên Bộ, bởi giá xăng dầu hiện nay đã là giá quốc tế trong khi Quỹ Bình ổn giá có còn cũng không thể bù được mãi được. Trong khi tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay hiện nay đều phải đổi mặt với tình hình biến động của giá xăng dầu.
Chính vì thế theo TS. Lê Đăng Doanh, không còn cách nào khác, nhà nước cần gợi ra các giải pháp, ý tưởng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tác động của nguyên liệu đầu vào và chi phí vận tải. “Có thể khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường thay đổi công nghệ, giảm chi phí vận tải bằng cách tận dụng các tuyến vận tải đường thủy, vận tải đường sắt nhiều hơn so với chi phí tăng cao của loại hình vận tải bằng đường bộ”, TS. Lê Đăng Doanh gợi mở.
Đối với việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nên chuyển giao về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc một đơn vị độc lập nào đó quản lý một cách công khai. Nếu cứ để Liên Bộ quản lý như hiện nay, nhiều người sẽ không thấy không công khai, có việc này việc kia càng làm cho việc điều hành trở nên thêm phức tạp.
“Nên rút ngắn thời gian của chu kỳ điều hành giá xăng, dầu. Thị trường xăng dầu nên có phản ứng ngay trong vòng 48 giờ, không nên để chờ đến 15 ngày như hiện nay sẽ quá lâu. Trong 15 ngày của kỳ điều hành, thị trường xăng dầu thế giới có biết bao nhiêu diễn biến khác nhau, trong khi thị trường trong nước không kịp phản ứng khiến việc điều hành giá bị động, không theo sát được diễn biến giá của thế giới. Với thời gian điều hành trong 48 giờ, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể đáp ứng được”, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV