Lộ diện kinh tế "ngầm"

Thứ Hai, 18/03/2019, 07:44 [GMT+7]

Thông tin về đề án thống kê khu vực kinh tế ngầm do Tổng cục thống kê thực hiện trên phạm vi cả nước nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
 
Mục tiêu mà đề án đưa ra là đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực này nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc khảo sát, lượng hóa nền kinh tế ngầm là cần thiết, tuy nhiên, để thu thập được đầy đủ thông tin về khu vực kinh tế ngầm bao gồm cả hoạt động buôn lậu là việc không hề đơn giản.

Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vừa được phê duyệt, khu vực kinh tế này bao gồm 5 nhóm hoạt động là: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; các hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Trong đó, hoạt động kinh tế "ngầm" bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động và với xã hội như mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, điều kiện sức khỏe, tay nghề, bằng cấp…, tránh các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, hoặc các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự…
 

1
Nhiều đơn vị xuất khẩu đến vài tỷ hàng thủ công mỹ nghệ nhưng vẫn là kinh tế hộ đình.


Các chuyên gia cho rằng việc đưa hoạt động kinh tế "ngầm", kinh tế chưa được quan sát vào diện quản lý, thống kê chính thức sẽ giúp nhà nước quản lý tốt hơn và làm gia tăng quy mô nền kinh tế. Khi đó, GDP thực sẽ lớn hơn hiện nay, đồng thời giúp nhận diện đầy đủ hơn bức tranh tổng thể, phản ánh được đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, quản lý được khu vực kinh tế này sẽ tăng được nguồn thu ngân sách cho đất nước cũng như tạo sự bình đẳng trong xã hội.

“Lợi ích đem lại đó là làm tăng nguồn thu ngân sách mở rộng,trong điều kiện ngân sách đang bị suy giảm. Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế vững chắc hơn, hiệu quả hơn. Người dân ở khu vực kinh tế phi chính thức được quản lý tốt và được đưa đưa vào sẽ bình đẳng hơn với các khu vực khác đặc biệt là những người nông dân – những người dễ bị tổn thương  tạo bình đẳng xã hội” - ông Nguyễn Minh Phong nói.

Liên quan đến nội dung này, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, thống kê được khu vực kinh tế không được quan sát sẽ giúp Chính phủ các bộ ngành, địa phương nhận diện được hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành, địa phương cụ thể như thế nào. Những hoạt động nào là hoạt động chính thống đã được quan sát và những gì cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý. Từ đó, để quản lý hay chuyển hoạt động đó thành hoạt động hợp pháp về kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, thực hiện đề án này là điều kiện rất tốt để hoàn thiện môi trường pháp lý và sẽ đánh giá đầy đủ GDP, phản ánh sát thực tình hình kinh tế. Đây sẽ là căn cứ để bộ ngành, Chính phủ, địa phương xây dựng chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, hoàn thiện môi trường pháp lý, cũng như xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế cho giai đoạn tới. Khi đề án chính thức được khởi động, Tổng cục sẽ thu thập thông tin và đánh giá cụ thể hơn về các thành tố thuộc khu vực này, đồng thời khảo sát và lượng hóa thêm phần kinh tế bất hợp pháp.

“Như hoạt động thuế chúng ta hoàn thiện môi trường pháp lý là làm thế nào để đánh giá đúng kết quả sản xuất kinh doanh, thu đúng thu đủ và qua chính sách thuế chúng ta tạo được nguồn thu trong thời gian tới. Khi chúng ta đánh giá đúng khu vực kinh tế chưa được quan sát và rộng hơn là chúng ta đánh giá đúng được quy mô GDP, từ đó chúng ta biết được các tỷ lệ huy động vào ngân sách như thế nào để từ đó có chính sách thuế cho đúng” - ông Nguyễn Bích Lâm nói.
 

1
Kinh tế "ngầm" đưa vào diện quản lý sẽ làm gia tăng quy mô nền kinh tế.


Đề án về kinh tế chưa được quan sát được nhắm vào vấn đề thực chất và thiết thực là tăng nguồn thu cho ngân sách. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần thiết phải làm rõ kinh tế hộ gia đình. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân có đăng ký hiện đóng góp 12,2% GDP, trong khi đó, khu vực kinh doanh hộ gia đình chiếm đến 32% GDP, nhưng chỉ đóng vào nguồn thu ngân sách 1,96% nên có sự thất thu thực sự.

Hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn có đến hàng trăm lao động nhưng vẫn đăng ký là hộ gia đình, nhiều đơn vị xuất khẩu đến vài tỷ hàng thủ công mỹ nghệ… nhưng vẫn là kinh tế hộ đình. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần phải giúp đỡ, hỗ trợ, kiểm soát vấn đề này để những hộ gia đình kinh doanh lớn phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, khi đó thực hiện nghĩa vụ phải nộp thuế theo biên lai chứng từ. Đồng thời, chấm dứt các hoạt động phi pháp như hàng giả, hàng nhái… đang gây tác hại nhiều mặt cho nền kinh tế, sức khỏe con người và xã hội.

“Nên rà soát lại việc đăng ký tại các phường và quận để bảo đảm thực sự chính xác và phù hợp với pháp luật. Không ủng hộ tất cả gia đình thành doanh nghiệp nhưng phải đăng ký một cách chính xác, những doanh nghiệp dưới 10 lao động thì đăng ký là hộ gia đình, còn những doanh nghiệp sử dụng trên 10 lao động thì phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp thành công ty. Phải kiểm soát việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, buôn lậu, nên có hình thức để hạn chế những việc trốn thuế, lậu thuế và chấm dứt việc thuế khoán và có tính chất cảm tính giữa cán bộ thu thuế với hộ gia đình” - ông Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát chính là một cách để “gom” những hành vi gian lận, trốn thuế vào quản lý, việc này đem lại lợi ích là làm tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, với hoạt động kinh tế ngầm như hành vi buôn lậu thì rất khó, bởi hành vi này đều có sự chủ động, giấu giếm từ những người có liên quan. Chưa kể hành vi này còn có thể có sự thông đồng của cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước.

Năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết sẽ xác định từng danh mục, nội hàm cụ thể của các thành tố, đặc biệt là kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, sau khi nhận diện đầy đủ thì sẽ báo cáo Chính phủ, giao cho các bộ, ngành liên quan để phối hợp với Tổng cục Thống kê thu thập thông tin. Đây là công việc khó khăn, nhiều thách thức. Cơ quan này cũng sẽ xây dựng lộ trình có tính khả thi để thực hiện và cần có sự vào cuộc đồng hành vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ ngành, địa phương. Việc đo lường này sẽ chính thức thực hiện vào năm 2020 và các năm tiếp theo./.

 

 

Theo Nguyễn Hằng/VOV

.