Đẩy mạnh công tác phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả
Điện Biên TV - Sau 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả giữa Ngân hàng Nhà nước, Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, số lượng tiền giả thu giữ trên địa bàn giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, kỹ thuật, công nghệ làm tiền giả của bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn, thủ đoạn buôn bán, tiêu thụ tiền giả cũng ngày càng phức tạp.
Một năm qua, Ban lãnh đạo ba đơn vị luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tiền giả; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, séc giả, ngân phiếu giả và các loại giấy tờ có giá trị giả khác”.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã cấp phát tài liệu, áp phích để các đơn vị phối hợp tuyên truyền; ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành trong công tác phòng, chống lưu hành tiền giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến khách hàng về “Tiền Việt Nam và cách nhận biết”...
Soi tiền trước nguồn sáng là một cách phân biệt tiền giả. (Nguồn ảnh: Internet) |
Công an tỉnh đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức để nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, phát hiện, tố giác kịp thời tội phạm nói chung và tội phạm tiền giả nói riêng. Các đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 265 buổi tuyên truyền pháp luật với gần 72.000 lượt người tham gia.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới về quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tiền giả, cách nhận biết tiền giả, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin, tố giác các hành vi làm, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và lưu hành tiền giả ở khu vực biên giới; phát tờ rơi, dán pa-nô, áp phích tại trụ sở cơ quan, đơn vị, nơi công cộng nhằm nâng cao cảnh giác cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Kết quả đã phối hợp tuyên truyền được 62 lần với 1.267 lượt người các nội dung về tiền giả.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thông báo kịp thời cho Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh 7 lần về những đặc điểm cơ bản, cách nhận biết tiền giả loại mới xuất hiện trong lưu thông theo thông báo của Cục Phát hành và Kho quỹ để các đơn vị chủ động phòng, chống tiền giả.
Bên cạnh đó, hàng tháng cung cấp đầy đủ thông tin về tiền giả xuất hiện trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố do các Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thu giữ, nộp về Ngân hàng Nhà nước cho Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh để phục vụ công tác điều tra, đấu tranh tội phạm tiền giả. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thu giữ 18 tờ tiền giả Polymer. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý một đối tượng về hành vi vận chuyển tiền từ Trung Quốc về Việt Nam không khai báo.
Khó khăn trong công tác phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả
Tuy nhiên, Điện Biên là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có đường biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc dài trên 455km; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn biên giới phức tạp, nhân dân các xã biên giới phần lớn thuộc diện khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Song song với đó, số lượng tiền giả thu giữ trên địa bàn tỉnh tuy giảm so với các năm trước nhưng về kỹ thuật, công nghệ làm tiền giả của bọn tội phạm ngày càng tinh vi hơn, thủ đoạn buôn bán, tiêu thụ tiền giả cũng ngày càng phức tạp...
Để thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền giả trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành về công tác phòng chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam đến các đơn vị cơ sở, cán bộ chiến sỹ.
Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Điện Biên cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục cung cấp tài liệu, áp phích về "Tiền Việt Nam và cách nhận biết" cho Công an, Bộ đội Biên phòng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hướng dẫn nhân dân tại các địa bàn công tác, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cửa khẩu, cách nhận biết tiền thật, tiền giả.
Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN