Đâu là lý do của việc tăng giá điện?
Bộ Công Thương cho hay phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân được chốt là 8,36%. Thời gian tăng giá là trong nửa cuối tháng 3/2019.
Như vậy là sau hơn hai năm giữ ổn định, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên 1.864,49 đồng/kWh.
Theo Bộ Công Thương, lý do của việc tăng giá điện là ngành điện lỗ do chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá còn treo lại từ những năm trước. Đến đây có mấy câu hỏi đặt ra:
Số liệu về năng suất lao động của Tổng cục Thống kê cho thấy có hai ngành có năng suất lao động cao hơn gấp nhiều lần năng suất chung của nền kinh tế, đó là ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất và phân phối điện. Ngành khai khoáng là đầu vào cơ bản của ngành điện và ngành điện là đầu vào thiết yếu của nền kinh tế.
Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22% và làm CPI tăng 0,29%. Ảnh: Số liệu Tổng cục Thống kê. |
Chẳng hạn ngành điện năm 2010 có năng suất lao động cao gấp 11,5 lần năng suất chung, đến năm 2017 năng suất lao động của ngành này tăng cao gấp 15,1 lần năng suất lao động bình quân của nền kinh tế; ngành khai khoáng năng suất cao gấp hơn 19 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế (hình trên).
Chú ý rằng năng suất lao động được Tổng cục Thống kê tính toán bằng cách lấy giá trị tăng thêm theo giá cơ bản chia cho số lao động. Năng suất lao động của hai ngành này luôn cao bất thường so với năng suất lao động bình quân chung cho thấy giá trị gia tăng của hai ngành này rất lớn, mà giá trị gia tăng theo giá cơ bản được cấu thành bởi hai yếu tố là thu nhập của người lao động (lương và các khoản thu nhập khác) và thặng dư sản xuất. Như vậy là một trong hai yếu tố hoặc cả hai đều rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế.
Một điều đáng băn khoăn hơn nữa, bao trùm lên hai ngành này là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Hai tập đoàn này đều là các tập đoàn nhà nước thuộc Bộ Công Thương và khoáng sản, tài nguyên là tài sản của Nhà nước, của nhân dân nhưng cả TKV và EVN luôn kêu lỗ. Sản phẩm của TKV (than) là đầu vào của EVN, TKV nâng giá do “lỗ”, EVN nâng giá cũng do “lỗ”.
Cách làm này về bản chất giống với hành động chuyển giá và cuối cùng tất cả đổ lên đầu người tiêu dùng (nhân dân). Như vậy, phải chăng người dân vừa mất của (tài nguyên) vừa mất thêm tiền do quản lý kém, do lãng phí và các thứ khác?
Lý do của việc tăng giá điện là ngành điện lỗ do chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá. Ảnh: TBKTSG. |
Một vấn đề nữa là lỗ do chênh lệch tỷ giá của EVN là gì? Lỗ do tỷ giá từ những năm trước là gì? Vấn đề này liên quan đến sự minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện. EVN không lập quỹ dự phòng rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính như lỗ do tỷ giá hay sao? EVN đã tận chi hết cả lợi nhuận mà không để dự phòng?
Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22% và làm CPI tăng 0,29%. Tính toán của tôi cũng cho ra kết quả gần như vậy (GDP giảm 0,25% và CPI tăng 0,24%).
Tuy nhiên cách tính này mới là ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và giá cả, vì khi giá cả tăng lên sẽ dẫn tới cầu tiêu dùng giảm, khi cầu tiêu dùng giảm kéo theo giá trị sản xuất của nền kinh tế giảm và tổng giá trị tăng thêm và GDP tiếp tục giảm và giá tiêu dùng tăng trong những chu kỳ sản xuất tiếp theo. Thông thường, khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm mới tạo ra mặt bằng giá mới và không còn chịu tác động nữa./.
Theo VOV