Xuất khẩu gỗ của Việt Nam phấn đấu đạt 13 tỷ USD năm 2020
Diễn đàn ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018-Giải pháp bứt phá năm 2019 diễn ra sáng nay (22/2), tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt hơn 7 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam phấn đấu đạt 13 tỷ USD năm 2020. Ảnh minh họa: KT. |
Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Qua đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại việc làm cho trên 25 triệu hộ dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.
Năm nay, ngành Lâm nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Trong đó chú trọng và duy trì tăng trưởng ở 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hà Quốc. Đồng thời đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết “Mở rộng đầu tư, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô, phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn có chứng chỉ quản lỷ rừng bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế. Phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ, xem xét chính sách thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm phụ trợ trong nước".
"Bộ sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách của nhà nước phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; chính sách tri trả dịch vụ môi trường rừng tạo điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân làm nghề rừng góp phần phát triển kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn và miền núi. Có một tin vui là vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài chính, các tỉnh đánh giá để hàng năm có dự trữ 100.000 tấn gạo hỗ trợ bà con đồng bào miền núi phát triển rừng”, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Rối loạn tiêu hóa do uống rượu bia - Học ngay bí kíp xử lý của người Nhật
Bảo bối "xử lý" hiệu quả hội chứng ruột kích thích của người Nhật
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành quả của ngành Lâm nghiệp đạt được thời gian qua, khẳng định sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần làm việc say mê, đặc biệt là sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Đồng thời biểu dương những thành tích nổi trội trong trồng rừng, bảo vệ rừng, và chế biến xuất khẩu lâm sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và xuất khẩu của ngành nông nghiệp nói riêng.
Thủ tướng cho rằng, để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới, cần phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu. Đồng thời cần sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt ra yêu cầu ngành cần tiếp tục bứt phá trong năm nay và những năm tiếp theo. Trong đó kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm nay mà phải đạt ở mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD gắn với khát vọng vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản, Việt Nam là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành cần đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng, xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng lâm sinh. Bên cạnh đó ngành ngân hàng cần nghiên cứu gói tín dụng cụ thể với lãi xuất ưu đãi để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, để người dân trồng rừng thuận lợi tiếp cận, vay vốn trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu.
Thủ tướng khẳng định tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục quyết liệt hành động đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với doanh nghiệp đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ lâm sản phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường./.
Theo Việt Cường/VOV