Liên kết và chế biến là chìa khóa của tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Thứ Hai, 18/02/2019, 07:46 [GMT+7]

Doanh nghiệp là đầu tàu, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với chế biến hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản 43 tỉ USD trong năm 2019.
 
Vượt qua hàng loạt rào cản kỹ thuật, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2018 đạt dấu mốc kỷ lục với 40,2 tỉ USD, tăng trưởng 3,1%, tiếp tục khẳng định uy tín và chất lượng nông sản Việt Nam - một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
 

1
Vùng chuyên canh trồng và chế biến cà rốt của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.


Thành công của các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp mà còn tạo niềm tin, sự hứng khởi chủ động tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Ông Nguyễn Đức Mệnh, Giám đốc Công ty cổ Phần chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng chia sẻ, mỗi năm doanh nghiệp thu mua hàng trăm nghìn tấn rau, củ quả của nông dân phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đặc biệt là nhiều nông sản đã có mặt tại thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Liên kết sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và kinh doanh bền vững và có lãi.

"Đầu tiên phải liên kết với nông dân. Hiện nay, doanh nghiệp đang liên kết với các xã viên của hợp tác xã, phải có riêng vùng nguyên liệu của mình để chủ động ký đơn hàng với đối tác. Những ngày đầu năm 2019 đã có đơn hàng khoảng 500 tấn của Nhật Bản và hơn 100 tấn của Hàn Quốc. Nói đến nông sản xuất khẩu thì quan trọng nhất là an toàn thực phẩm, đối với những đối tác đòi hỏi khắt khe về chất lượng cần phải thực hiện nghiêm túc quy trình về đảm bảo an toàn mới xuất khẩu được", ông Mệnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp ít hấp dẫn hơn các ngành hàng khác, nhưng nếu đầu tư một cách bài bản thì nông nghiệp có thể mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là tạo niềm tin cho doanh nghiệp với môi trường kinh doanh thông thoáng cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguồn vốn trong cơ cấu lại nông nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng theo chỉ đạo của Chính phủ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông sản về mặt xuất khẩu.

Minh chứng cho điều này, chỉ riêng lĩnh vực chế biến trái cây trong năm 2018 có tới 16 doanh nghiệp lớn vào đầu tư với tổng vốn khoảng 8.700 tỷ đồng; 17 nhà máy chế biến khởi công và khánh thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

"Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta phải tổ chức sản xuất bài bản theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó phải nâng cao năng lực chế biến và khả năng liên kết của các chủ thể. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu phải liên tục cập nhật và thông tin kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp những quy định, rào cản kỹ thuật về thương mại của những nước nhập khẩu để hiểu và nắm bắt được yêu cầu và chủ động chiến lược của doanh nghiệp", ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
 

1
Liên kết và chế biến là chìa khóa của tăng trưởng xuất khẩu nông sản.


Thăm vùng chuyên canh trồng và chế biến cà rốt của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngay những ngày đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc chuyển cả 1 vùng sang 1 đối tượng cây cà rốt khẳng định nông dân ngày càng sáng tạo.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã nếu tổ chức liên kết hiệu quả thì người dân sẽ tin tưởng. Mặc dù quy mô ruộng nhỏ, nhưng tổng hợp lại vẫn thành những ruộng lớn, và khi liên kết lớn từ khâu sản xuất đến khâu chế biến đến thương mại, chắc chắn chúng ta thành công.

Nhấn mạnh đến việc sản xuất nông nghiệp muốn bền vững, nông dân cần đẩy mạnh liên kết gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Việt Nam đã và đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường thế giới, do vậy không riêng gì nông dân trồng cà rốt ở Hải Dương mà nông dân cả nước nói chung phải liên kết sản xuất chặt chẽ. Nếu cứ làm ăn rời rạc, ai muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng được thì lại dẫn đến được mùa mất giá. Làm ăn rời rạc cái gì cũng có nhưng bán rẻ không ai mua, hiệu quả kinh tế rất kém.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, “Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tùy từng vùng có thể theo thôn, theo xã, liên xã để hình thành vùng tập trung, và tùy từng đối tượng sản xuất. Ứng dụng khoa học kỹ thuật thật tốt ở tất cả các khâu để đạt năng suất cao nhất, giá thành thấp nhất. Phải sản xuất sạch, chất lượng, có như vậy mới làm ra nguyên liệu tốt, đây chính là cơ sở để liên kết làm ăn lâu dài với doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ. Từ chuỗi liên kết, căn cứ vào tín hiệu thị trường để có quy mô sản xuất phù hợp, tránh chuyện cứ được mùa mất giá, khi được giá lại không có hàng để bán”.

Với sự đồng thuận và sáng tạo của nông dân, đồng lòng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã cộng thêm những cơ chế khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết, gia tăng giá trị nông sản, mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng từ 42 - 43 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đạt được nhờ những cách làm như hiện nay.

Không những thế còn hướng đến mục tiêu dài hạn là ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất./.

 

 

Theo Minh Long/VOV

.