Đánh thức tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam
Thương mại điện tử là thời cơ để các DN Việt tận dụng mở rộng sự phát triển, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế trong những năm tới.
Thương mại điện tử (TMĐT) đang dần chi phối thế giới nhờ chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng bởi lợi thế của internet. Ở Việt Nam, TMĐT đang là miền đất hứa của các doanh nghiệp (DN) khi đã có nhiều cái tên rất nổi của kênh bán hàng online như Alibaba, Amazon đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.
Đặc biệt, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường (Nielsen Việt Nam), có hơn 55% người tiêu dùng Việt thừa nhận sẵn sàng dùng kết nối mạng để mua sắm nhanh hơn và thuận tiện hơn; 35,8 triệu người đã kết nối vào mạng xã hội với thời gian vào mạng trung bình 24,7 giờ/tuần để xem và mua bán hàng hóa.
Không chỉ có thế, đến năm 2025 sẽ có 49% dân số sống ở các đô thị; tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập cao cũng tăng từ 17% năm 2015 lên gần 25%. Số người tiêu dùng sành kỹ thuật số sẽ đóng góp phân nửa chi tiêu của tất cả người tiêu dùng trong nước.
Hơn 55% người tiêu dùng Việt thừa nhận sẵn sàng dùng kết nối mạng để mua sắm nhanh hơn và thuận tiện hơn. |
Nhận định về xu hướng của thương mại điện tử, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, giao dịch online sẽ phát triển rất nhanh, có thể đến 30% mỗi năm trong thời gian tới. Với hàng loạt các ưu điểm nhanh, thuận lợi, không có khoảng cách… giao dịch, bán hàng điện tử đang ngày càng được ưa chuộng và trở thành sự lựa chọn của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Pierre Cahuzac, Giám đốc điều hành Lazada - một kênh mua sắm bán hàng có thương hiệu trên thế giới bước chân vào thị trường Việt Nam cho biết, trong số 6 quốc gia mà Lazada hiện diện, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến 100%.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 700.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại có đóng góp tích cực cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức lớn của các doanh nghiệp này là thông tin dự báo thị trường, năng lực cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng.
Chính vì thế, từ đầu năm 2018, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon, nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng TMĐT.
Theo nhận định của Cục Xúc tiến thương mại, với việc “bắt tay” nền tảng TMĐT lớn này, Amazon Global Selling sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới qua Amazon.com, từ đó phát triển thương hiệu của DN và hàng hóa Việt Nam trong môi trường TMĐT. Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các DN Việt, tạo ra bước ngoặt mới cho các DN Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại, cho biết, ngoài các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như giao thương, đi hội chợ nước ngoài thì việc đẩy mạnh TMĐT là vô cùng cần thiết.
“Cùng với Amazon, Cục xúc tiến thương mại sẽ giúp các DN tiếp cận được với khách hàng toàn cầu, bán hàng bằng chính thương hiệu của DN ra thị trường thế giới, giúp tăng giá trị sản phẩm, quảng bá với thế giới về sản phẩm của Việt Nam”, ông Phú cho biết thêm.
Đồng tình với nhận định này, ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho rằng, Amazon nhận thấy tiềm năng phát triển TMĐT rất lớn ở thị trường Việt Nam, nhất là tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ. Hơn nữa, các sản phẩm của Việt Nam rất độc đáo, đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, may mặc, da giày và đồ thủ công.
Có thể thấy, TMĐT vô cùng giàu tiềm năng, là thời cơ để các DN Việt “khai phá”, mở rộng sự phát triển, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế trong những năm tới.
Tuy nhiên, cũng tương tự những quốc gia có lĩnh vực TMĐT non trẻ khác, các DN kinh doanh TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rào cản, một trong những rào cản đó phải kể đến nguồn nhân lực. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, việc tập trung đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực là một trong những điều kiện cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho lĩnh vực TMĐT thời gian tới.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX cho rằng, với TMĐT, kinh doanh, mua bán trên internet đều dựa trên niềm tin, nên DN cần phải xây dựng cho mình thương hiệu tốt trên mạng internet.
Đối với những doanh nghiệp nhỏ, không đủ tiềm lực để xây dựng thương hiệu vẫn có thể tham gia các liên minh thương hiệu, mua nhượng quyền thương hiệu hoặc hợp tác với các thương hiệu uy tín khác để phát triển.
“Nếu DN chịu khó tập trung, cố gắng và kiên trì thì vẫn có thể dễ dàng làm được TMĐT. Các DN cần có lợi thế thực sự về chất lượng và giá cả sản phẩm dịch vụ khi kinh doanh trên internet. Muốn được như vậy, DN có thể tham gia các liên minh về chuỗi cung ứng, sử dụng hàng hoá dịch vụ của nhau”, ông Hùng chia sẻ bí quyết./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV