Nhược điểm trong các dự án hạ tầng có thể kéo Việt Nam đi chậm lại
Các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn một số nhược điểm, tồn tại cần khắc phục. Nếu không đây sẽ là nhược điểm có thể kéo Việt Nam đi chậm lại.
Đây là nhận định của ông Kunio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam tại hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức hôm nay 16/1.
Theo ông Kunio Umeda, hàng năm, có một lượng lớn vốn đầu tư ở châu Á cho phát triển cơ sở hạ tầng và phải tiến hành mọi biện pháp cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng một cách hợp lý cũng như tối đa hóa tính hiệu quả của các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” |
“Mọi cơ sở hạ tầng mà chúng ta xây dựng đều phải có chất lượng cao và phải được quản lý tốt như vậy thì mới có thể góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế, giúp tăng cường chất lượng của các dịch vụ mà cung cấp cho người dân cũng như đảm bảo khả năng hồi phục, chống chọi cú sốc về lâu dài”, ông Kunio Umeda nói.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các dự án cơ sở hạ tầng vẫn còn một số nhược điểm, tồn tại cần khắc phục. Nếu không đây sẽ là những nhược điểm có thể kéo Việt Nam đi chậm lại. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tìm thêm nhiều những phương án tài chính khác để có thể tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của mình trong thời gian tới như huy động vốn qua hợp tác công tư (PPP).
“Tôi biết Việt Nam đang rất cần nguồn vốn đầu tư và Nhật Bản luôn cam kết cũng như hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam có đủ năng lực để phát triển kinh tế và Nhật Bản tin tưởng chắc chắn rằng đây là thời điểm lịch sử để Việt Nam có thể đạt được những mốc phát triển và tăng trưởng bền vững hơn nữa”, ông Kunio Umeda khẳng định.
Theo ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định việc "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong 3 đột phá chiến lược. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 4 lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo |
“Thời gian qua kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ hiện đại và cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông vận tải quy mô lớn đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước. Hạ tầng năng lượng được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn. Hạ tầng đô thị cũng được quan tâm đầu tư, nhất là ở các thành phố lớn”, Thứ trưởng Thắng cho biết.
Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh sử dụng vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ cũng đã thúc đẩy vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt thông qua phương thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP).
“Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai được 147 dự án (không tính các dự án theo loại hợp đồng BT) với tổng mức đầu tư khoảng 1.144.152 tỷ đồng (tương đương 52 tỷ USD). Những dự án với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân quan trọng này đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết.
Thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đều có những tồn tại, hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, quy mô nền kinh tế không lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì mức đầu tư cao từ ngân sách nhà nước sẽ tạo áp lực lớn cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng gây áp lực trần nợ công cao. Trong khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn vay nước ngoài dành cho phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng giảm và sẽ phải vay vốn ưu đãi với mức lãi cao hơn.
Việc duy trì và cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cũng là một thách thức lớn đối với toàn nền kinh tế.
"Các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua mô hình đầu tư PPP vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân như: nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính tham gia; năng lực thực hiện còn yếu; cơ chế chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và còn thiếu các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư (rủi ro về doanh thu, rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ…). Đồng thời, việc thực thi chưa đảm bảo yêu cầu về tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thị trường vốn tại Việt Nam chưa phát triển, trong khi các ngân hàng thương mại còn hạn chế về khả năng cấp tín dụng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế, bao gồm cả việc quản lý vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát và sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương… cũng là những tồn tại trong phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
“Để đạt được mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng thời gian tới với những dự án lớn về giao thông vận tải như tuyến đường bộ, cao tốc phía đông đất nước, cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao… thì việc đề xuất những giải pháp toàn diện, trong đó có giải pháp về cơ chế chính sách để quản trị và huy động vốn đầu tư là yêu cầu cấp thiết với Việt Nam trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu ý kiến.
Hiện Bộ KH&ĐT đang làm việc khẩn trương để có thể sửa đổi cũng như xây dựng khung pháp lý liên quan đến đầu tư thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) để có thể huy động thêm nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
“Nếu có thể thành công trong mô hình PPP thì sẽ rất tốt cho phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Kunio Umeda nhận định.
Bộ KH&ĐT cũng đánh giá cao Quỹ tiền tệ quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AFD, JBIC, JICA... các tổ chức của Hàn Quốc, Nhật Bản… và các cơ quan nghiên cứu như KDI-PIMAC, các tư vấn, chuyên gia quốc tế... đã, đang và tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, đánh giá cũng như việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP.
“Những hỗ trợ quý báu này đã góp phần giúp cải thiện cơ chế để quản trị, nâng cao hiệu suất đầu tư công, đặc biệt là những nghiên cứu, phát kiến về huy động vốn đổi mới sáng tạo cho kết cấu hạ tầng kèm theo khuyến nghị về phân bổ rủi ro cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế được các chuyên gia chia sẻ sẽ là bài học kinh nghiệm quy báu cho Việt Nam trong quá trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới’, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh./.
Theo Cẩm Tú/VOV