Điện Biên

Sản phẩm lợi thế tạo đột phá cho xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 17/01/2019, 14:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế để đầu tư nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm tỉ lệ hộ đói nghèo, đồng thời thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất phát triển, là nội dung quan trọng có tác động trực tiếp đến sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tìm ra và phát triển các sản phẩm lợi thế gắn với xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, đang là hướng phát triển tích cực, trở thành phong trào sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên
 
Vùng lòng chảo huyện Điện Biên vốn là khu vực có nhiều lợi thế về xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Dựa trên lợi thế về đất đai, nguồn nước và kinh nghiệm sản xuất của người nông dân, nhiều năm nay các xã trong khu vực này đã có quy hoạch sản xuất hợp lí, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa nông sản khá rộng lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lợi thế này tiếp tục được phát huy. Nhiều xã đã tìm được sản phẩm thế mạnh để đầu tư phát triển.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cũng được hình thành, giúp nông dân sản xuất  hàng hóa thuận tiện
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cũng được hình thành, giúp nông dân sản xuất hàng hóa thuận tiện

 

Xã Thanh An huyện Điện Biên có trên 400 ha gieo trồng cây lương thực, gần 60 ha rau màu. Bà con nông dân trong xã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, thực hiện thâm canh, tăng vụ tạo ra nhiều loại hàng hóa nông sản cung cấp cho thị trường, trong đó sản phẩm chủ lực là lúa gạo và rau quả. Xác định đây là các sản phẩm thế mạnh giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm gần đây xã đã khuyến khích bà con nông dân cũng như doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực này. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cũng được hình thành, giúp cho các nông sản hàng hóa lợi thế của xã nâng cao chất lượng, đảm bảo về đầu ra.    

Công ty TNHH thực phẩm Safegreen liên kết với bà con nông dân xã Thanh An huyện Điện Biên xây dựng chuỗi sản xuất nông sản sạch. Các sản phẩm liên kết chủ yếu là gạo, rau, củ, quả. Công ty vừa cung cấp giống, phân bón, quản lí sản xuất, vừa bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hàng hóa nông sản của bà con nông dân vì vậy được đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định, đồng thời có đầu ra đảm bảo.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safegreen cho biết: Công ty chúng tôi liên kết với bà con nông dân xã Thanh An và các xã lân cận sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: Lúa gạo, rau quả sạch, bánh khẩu xén. Các loại nông sản được sản xuất theo chuỗi liên kết chúng tôi hướng đến là các sản phẩm hữu cơ, tức là các loại nông sản được chăm bón bằng phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tự chế từ rượu, tỏi, ớt, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, vì vậy được người tiêu dùng tin tưởng, giá cả cũng rất ổn định. 

1
Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Safegreen

 

Mô hình rau quả an toàn của xã viên HTX Thanh Đông, xã Thanh Xương huyện Điện Biên cũng là một trong các mô hình tiêu biểu về phát triển sản phẩm lợi thế của xã. HTX Thanh Đông liên kết với các nông hộ trong cung cấp vật tư, phân bón và quản lí sản xuất, nhằm phát triển sản phẩm rau xanh và các loại trái cây theo hướng an toàn thực phẩm, hy vọng sẽ tạo được bứt phá mới cho nghề làm vườn của bà con nông dân trong xã.

Huyện Điện Biên có 11 xã nằm trong vùng lòng chảo. Tại khu vực này vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo, rau, quả đã được hình thành. Các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản cũng được phát triển. Đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình trang trại, gia trại, sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân trong vùng được đa dạng hóa và không ngừng tăng về số lượng.

Để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân, gần đây các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của khu vực đang được phát triển theo xu hướng mới: Xu hướng sản xuất nông sản chất lượng cao theo chuỗi liên kết. Xu hướng này nở rộ đã có tác động tích cực giúp phát triển hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp.

Tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí về xã NTM của tỉnh Điện Biên quy định, xã đạt chuẩn tiêu chí này phải đạt đủ hai điều kiện: Xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 và xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Chuyển đổi mô hình HTX hoạt động hiệu quả hơn gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất, là những nội dung quan trọng trong tiêu chí số 13 của bộ tiêu chí về xã nông thôn mới. Ba năm gần đây các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên đã nỗ lực thực hiện tiêu chí này và đã có những thành công bước đầu.

Việc phát triển các sản phẩm lợi thế không chỉ là cơ sở để các xã miền núi tỉnh ta hoàn thành tiêu chí số 13 trong XDNTM, ở các xã vùng cao khó khăn đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo, hoàn thành tiêu chí số 10 và 11 theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới. Ở huyện Tuần Giáo, để thực hiện hai tiêu chí quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từng xã, từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có sức thu hút đầu tư.

Mong muốn phát triển sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện ở vùng có nguồn nước khan hiếm, bà con nông dân xã Pú Nhung đã lựa chọn các loại cây như mía, dứa, cây sa nhân để phát triển thành vùng chuyên canh. Các loại cây trồng này không chỉ cho nông dân thu nhập cao, mà còn trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được tiêu thụ mạnh ở địa phương và được người tiêu dùng trong tỉnh biết đến.

Ông Mùa A Kỷ, Chủ tịch hội Nông dân xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo cho biết: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì xã Pú Nhung trước đây trồng cây đậu tương, cây ngô và cây lúa nương. Từ năm 2010 đến nay Hội Nông dân xã Pú Nhung đã vận động bà con nông dân tìm các loại cây có giá trị cao như cây mía, cây dứa và một số cây như cây sa nhân. Đến bây giờ tình hình đời sống nhân dân cũng khá hơn trước.  Hội cũng phối kết hợp với Ngân hàng Chính sách cho nông dân vay vốn, hỗ trợ nông dân mua các loại cây giống để mà sản xuất.       

1
Ở các xã có khí hậu núi cao như Tỏa Tình, Tênh Phông, nơi thích hợp cho phát triển các cây trồng, vật nuôi xứ lạnh, táo mèo, thảo quả và cá nước lạnh được xác định là các sản phẩm chủ lực

 

 

Ở các xã có khí hậu núi cao như Tỏa Tình, Tênh Phông, nơi thích hợp cho phát triển các cây trồng, vật nuôi xứ lạnh, táo mèo, thảo quả và cá nước lạnh được xác định là các sản phẩm chủ lực. Những sản phẩm này cũng đã bước đầu thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Các sản phẩm chủ lực được phát triển, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản được xây dựng, chất lượng nông sản được đảm bảo, là cơ sở để các xã miền núi khó khăn của Tuần Giáo phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.    
 
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, từng xã có vai trò quan trọng giúp tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy hình thức tổ chức sản xuất phát triển, hình thành chuỗi giá trị, tạo sức đột phá cho các xã trong xây dựng nông thôn mới.

Ở nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh ta việc tìm và phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế, xây dựng hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả, đã trở thành phong trào sôi nổi. Nhà nước đã có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ các xã nông thôn thực hiện điều này như: Đề án mỗi xã một sản phẩm ; cơ chế hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi và thành lập mới hợp tác xã ; Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả từ nay đến năm 2020. Việc tìm và phát triển các sản phẩm chủ lực như thế nào người dân mỗi xã cần thực sự tích cực và chủ động.

Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Phải xuất phát từ người dân, từ cơ sở xã, người ta phải thấy thế mạnh và tập trung vào một sản phẩm gì đó, người ta sẽ xây dựng thành vùng nguyên liệu đảm bảo sạch, sau đó các doanh nghiệp người ta sẽ liên kết, sẽ vào chế biến sản phẩm đó. Ví dụ như chè, nếu chúng ta không tập trung để có một sản phẩm sạch đủ tiêu chuẩn, đủ sản lượng thì doanh nghiệp người ta cũng khó mà vào. Chúng ta cũng không thể chỉ ra cho các xã là anh phải làm sản phẩm này hay sản phẩm kia. Cái đó phải xuất phát từ cơ sở và cơ sở đề nghị lên.                

Phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao, tổ chức lại sản xuất, là việc làm quan trọng giúp các xã nông thôn tỉnh ta hoàn thành những tiêu chí quan trọng, cốt yếu trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, tích cực, chủ động tìm ra các sản phẩm thế mạnh để đầu tư phát triển, không chỉ giúp tạo bước đột phá cho chương trình, mà còn giúp cho kết quả xây dựng nông thôn mới ở mỗi xã thêm bền vững.
                                                              

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.