Sản xuất điện mặt trời: Sớm hoàn thiện cơ chế mua bán, chính sách hỗ trợ hợp lý

Thứ Tư, 12/12/2018, 17:05 [GMT+7]

 Cần sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện, chính sách hỗ trợ hợp lý để hộ gia đình, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, khai thác điện mặt trời.
 

Theo báo cáo của EVN, nhu cầu điện của Việt Nam tăng đều khoảng 10 %/năm, gây áp lực cho việc sản xuất, cung ứng. Năm 2017, sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 175 tỉ kWh. Nếu so sánh với năm 1995 (14,6 tỉ kWh), sản lượng đã tăng 12 lần. Điện thương phẩm bình quân đầu người của cả nước cũng tăng từ 156 kWh/người/năm (năm 1995) lên 1.850 kWh/người/năm (năm 2018).

Ngoài nhu cầu sử dụng điện tăng, việc thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam lo lắng. Dự báo, năm 2019, chỉ riêng sản lượng thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỉ kWh. Với tình hình này, những nguồn năng lượng tái tạo như: điện gió, điện mặt trời lại được nhắc đến. Mới đây, chuyện lãnh đạo một tỉnh ở miền Tây mời gọi doanh nghiệp về địa phương đầu tư nhà máy điện mặt trời đã cho thấy tầm quan trọng của nguồn năng lượng xanh thay thế này.

Với việc kêu gọi đầu tư nhà máy điện mặt trời, các địa phương như tỉnh Bến Tre sẽ có thêm nguồn năng lượng sạch, không lo bị thiếu hụt điện gây ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế. Còn với doanh nghiệp, hộ gia đình, điện mặt trời cũng đã được quan tâm bởi ngoài chuyện không phải lệ thuộc điện lưới quốc gia, điện này còn có thể sinh lợi.

3.000 MW điện mặt trời, hơn công suất của 2 nhà máy nhiệt điện, đây là con số lớn, góp phần giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện, nhất là khi các nguồn nhiên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện đang ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, ngành Điện lực ở nhiều địa phương vẫn chưa mua điện mặt trời của hộ dân và doanh nghiệp.

 

 

Theo VTV

.