Giá xăng dầu giảm, lạm phát bớt áp lực

Thứ Bảy, 15/12/2018, 15:31 [GMT+7]

Giá xăng dầu giảm gần đây đã phần nào làm giảm áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn cần theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới.

Xăng dầu giảm, giá cước không giảm

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều 6/12, Liên bộ Công Thương – Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng dầu trong nước. Theo đó, xăng E5RON92 giảm 1.446 đồng/lít, xăng RON95-III giảm tới 1.513 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 1.379 đồng/lít… Như vậy, sau khi giảm, xăng E5RON92 trên thị trường trong mức 17.181 đồng/lít, xăng RON95-III trong mức 18.459 đồng/lít, dầu diesel 0.05S trong mức 16.258 đồng/lít…

Đây là lần điều chỉnh giảm thứ 4 liên tiếp kể từ lần điều chỉnh ngày 22/10 và sau đó lần lượt là các lần điều chỉnh vào ngày 6 và 22/11. Nếu so với mức giá của lần điều chỉnh đầu tiên trong tháng 10 vừa qua thì rõ ràng, giá xăng dầu đã giảm đáng kể. Trước đó, vào ngày 6/10, sau khi được điều chỉnh tăng, xăng E5 RON92 trong nước có giá bán trong mức 20.906 đồng/lít, xăng RON95-III là 22.347 đồng/lít, dầu diesel 0.05S là 18.611 đồng/lít…

x
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 5 lần giảm và 12 lần giữ ổn định (Ảnh minh hoạ: KT)


Tuy giá xăng dầu liên tục giảm nhưng theo khảo sát của phóng viên trên thị trường cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải vẫn chưa có sự điều chỉnh.

“Giá xăng giảm nhưng giá cước taxi vẫn thế, không giảm. Cuối tuần vừa rồi mình đi xe khách từ Hà Nội – Quảng Ninh thì giá vé cũng không giảm. Đi chợ hàng ngày thì giá cả thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng vẫn giữ nguyên, không giảm”, chị Hoàng Hải Yến, ở Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (chuyên kinh doanh dịch vụ xe du lịch) cho biết, việc giảm giá cước vận tải còn phụ thuộc vào những yếu tố khác ngoài giá xăng. Từ đầu năm tới nay, giá xăng có hơn 20 lần điều chỉnh. Tổng cộng, giá xăng đã tăng thêm hơn 1.000 đồng/lít so với đầu năm.

“Nếu giá xăng giảm mà điều chỉnh giá cước giảm rồi mấy hôm nữa giá xăng lên lại phải tăng giá cước. Mà muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé... Do đó, giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng dầu giảm. Chưa kể, thời gian tới, xăng dầu sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế môi trường”, ông Thắng cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không đúng, bởi giá xăng tăng hay giảm phụ thuộc vào thị trường thế giới. Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này chưa chặt chẽ, khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc không kiểm tra, kiểm soát để trục lợi.

“Cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định để định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi nguyên liệu đầu vào giảm giá thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm điều chỉnh giá giảm”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu ý kiến.

Áp lực lạm phát giảm

Việc giá xăng dầu giảm mạnh vào những ngày cuối năm tuy không giúp giá cả hàng hoá, cước vận tải giảm nhưng đã phần nào làm giảm áp lực lên lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10, tác động lớn nhất đến từ diễn biến giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 6/11 và ngày 21/11/2018, tổng cộng giá xăng A95 giảm 2.230 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 2.060 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 980 đồng/lít nên bình quân tháng 11/2018, giá xăng dầu giảm 4,1% so với tháng 10, đóng góp giảm CPI chung 0,17%.

Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, năm 2018 giá xăng dầu thế giới tăng vào dịp đầu năm và từ khoảng tháng 9 giá bắt đầu giảm mạnh do nhiều yếu tố và vừa qua đã giảm mức thấp nhất từ năm ngoái đến năm nay.

Ông Phương cho rằng, năm nay, CPI lõi (bao gồm các mặt hàng ngoại trừ lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu) dưới 2% là tương đối thấp. Hiện nay, CPI của Việt Nam chỉ bị phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu, còn thực phẩm chỉ biến động vào dịp Tết và thời tiết biến động như mưa bão, dịch bệnh. Nhìn chung, giá lương thực thực phẩm tương đối ổn định vì nguồn cung dồi dào.

“Giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều tới lĩnh vực, vì thế CPI thời gian qua phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu. Thực tế, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục lên thì rất lo ngại CPI năm nay không đạt mục tiêu đề ra. May mắn là giá xăng dầu đang tiếp tục xu hướng giảm nên CPI có thể đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4% do giá giảm mạnh về cuối năm”, ông Lê Quốc Phương cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, việc giá xăng dầu trong nước giảm là do yếu tố khách quan, do giá xăng thế giới giảm. Tuy nhiên, sắp tới, giá xăng dầu có thể tăng trở lại vì vừa qua Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận thống nhất cắt giảm sản lượng, với mức 1,2 triệu thùng/ngày, trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2019.

“Tới đây giá xăng trong nước sẽ tăng lên, nhưng cũng chỉ tăng mức độ, do đó mục tiêu lạm phát dưới 4% chắc chắn đạt được”, ông Nguyễn Văn Nam nhận định.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu sẽ vẫn là ẩn số đối với việc kiểm soát lạm phát. Do đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới, chủ động nâng nguồn cung Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, sử dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá xăng dầu như công cụ thuế nhập khẩu, quyết định mức chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành hợp lý và linh hoạt./.

 

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

.