Giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần với giá thị trường

Thứ Ba, 11/12/2018, 07:30 [GMT+7]

  Ngành thống kê góp phần xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá một số mặt hàng như xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục... phù hợp với thực tiễn.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đến nay, có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát, hoàn thiện và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê để đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới được quy định trong Luật Thống kê 2015.

Có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành. Trong đó, 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành. Các bộ, ngành đã tổng hợp, công bố phần lớn chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
 

1
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 10/12.


Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, các báo cáo, chỉ tiêu thống kê do các bộ, ngành phụ trách thu thập gửi Tổng cục Thống kê có chất lượng tương đối tốt. Nội dung các chỉ tiêu, phương pháp thu thập và xử lý số liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh phân tích và dự báo thống kê

Ông Lâm liệt kê một số báo cáo phân tích, dự báo có chất lượng được thực hiện thời gian gần đây như: Báo cáo kiểm kê đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế (Tổng cục Thống kê); dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (Bộ Tài chính); dự báo các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng như CPI, GDP, M2, tín dụng, xuất nhập khẩu (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); dự báo các chỉ tiêu liên quan đến thị trường lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); dự báo các mặt hàng nông lâm thủy sản theo quý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); dự báo vận tải hành khách, hàng hóa (Bộ Giao thông vận tải); phân tích và dự báo tình hình tội phạm (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn trong các khâu: thu thập, tổng hợp, xử lý, cung cấp, phổ biến thông tin, trao đổi nghiệp vụ thống kê.
 
Đặc biệt trong năm 2017 và năm 2018, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý cùng với các giải pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Phối hợp xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp với thực tiễn, tiệm cận dần với giá thị trường, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra; xây dựng Báo cáo kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế trình Bộ Chính trị, người đứng đầu cơ quan thống kê Trung ương cung cấp thông tin.
 

1
Giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý đã được điều chỉnh tiệm cận dần với giá thị trường. (Ảnh minh họa: KT)

 
Ngoài ra, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, các bộ, ngành cũng đã quan tâm, chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích và phổ biến thông tin. Hầu hết các bộ, ngành đều có Trang thông tin điện tử; một số bộ, ngành xây dựng các đề án ứng dụng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin làm cho công tác thống kê tại bộ, ngành ngày càng hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian cập nhật dữ liệu, tiết kiệm nhân lực và chi phí.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập như: xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê của một số bộ, ngành còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung theo Luật Thống kê 2015; nhiều bộ, ngành chưa thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công, thiếu các phân tổ chủ yếu hoặc chưa kịp thời.

Một số bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành Quy chế phổ biến thông tin thống kê và Lịch phổ biến thông tin thống kê thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê, nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế, dẫn đến một số bộ, ngành khi tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu được phân công liên quan đến bộ, ngành khác gặp khó khăn về nguồn thông tin. Việc phân tích và dự báo thống kê của bộ, ngành còn yếu, số lượng và chất lượng sản phẩm phân tích, dự báo còn hạn chế. Năng lực và nhân lực làm phân tích và dự báo chưa đáp ứng yêu cầu…

Để tiếp tục đẩy mạnh thống kê bộ, ngành, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng đã đề xuất các giải pháp như: cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hệ thống thống kê bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương hoạt động đồng bộ, thống nhất; khẩn trương thu thập, tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công; đồng thời, đẩy mạnh việc phân tích và dự báo thống kê, nhất là phân tích vĩ mô, phân tích chuyên sâu, các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy mạnh phổ biến thông tin thống kê theo hướng đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, các bộ, ngành cần tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê. Thống kê bộ, ngành phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện việc hài hòa và chuẩn hóa các chỉ tiêu thống kê bảo đảm tính so sánh quốc tế.

Thống kê tốt sẽ xoá tình trạng "chân phanh, chân ga"

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã ký cơ chế phối hợp từ năm 2016, có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ với Tổng cục Thống kê. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án nâng cao năng lực thống kê và dự báo ngành nông lâm thuỷ sản.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hoạt động này, Bộ có triển khai 2 dự án là dự án công nghệ thông tin phục vụ điều hành ngành nông nghiệp đảm bảo thông tin thống kê được công bố công khai và minh bạch và dự án tổ chức thư viện và hệ dữ liệu điện tử nông nghiệp.

Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ xây dựng hệ thống thông tin thống kê điều tra sản lượng thuỷ sản, số lượng tàu cá và chăn nuôi… đưa vào cơ sở dữ liệu điện tử để tổ chức khai thác dữ liệu tốt hơn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ.
 

1
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng hệ thống thông tin thống kê điều tra sản lượng thuỷ sản. (Ảnh minh họa)


Theo tính toán sơ bộ của ông Tuấn, giá trị xuất khẩu của ngành lâm nghiệp vào GDP sẽ cao hơn nhiều so với mức tính 2.000 tỷ đồng như giá tính toán như hiện nay.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho rằng cần có sự phối hợp thống nhất trong việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nông nghiệp với cơ quan thống kê xuất phát từ tiêu chí và phương pháp thực hiện thống nhất, khẳng định các số liệu thống kê của bộ cũng là pháp quy.

Đề cập đến khó khăn trong việc thành lập bộ máy về thống kê, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nêu thực tế: Uỷ ban không có bộ máy để thực hiện, xin mãi mới được một biên chế cho thống kê nên việc thống kê vẫn định tính, lãnh đạo khó quyết nên xảy ra tình trạng "chân đạp ga", "chân đạp phanh", do đó không làm được.

Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành đã thu thu thập, tổng hợp được 63/79 chỉ tiêu ở các mức độ phân tổ khác nhau, trong đó 34 chỉ tiêu đầy đủ các phân tổ; 29 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp nhưng chưa đủ đầy đủ; 16 chỉ tiêu chưa thực hiện./.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.

.