Điểm tựa để Hội viên nông dân phát triển kinh tế

Thứ Ba, 11/12/2018, 15:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta ngày càng chứng tỏ vai trò là trụ đỡ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Dù là địa phương có xuất phát điểm thấp, sản xuất manh mún và tự cung tự cấp, nhưng bà con nông dân tỉnh ta đã từng bước xây dựng được các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Có được kết quả đó phải kể đến vai trò rất lớn của các cấp Hội nông dân trong toàn tỉnh. 

Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh ta bước đầu thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết sản xuất sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi với người dân. Hợp tác xã Na Sang, huyện Mường Chà là đơn vị thực hiện liên kết với 54 hộ dân để sản xuất dứa, với quy mô 60ha.

Trước đây, do sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm, tình trạng được mùa thì mất giá xảy ra khá phổ biến. Khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân không còn phải tự tìm thị trường tiêu thụ nữa. Quy trình trồng – chăm sóc và thu hái đã khoa học hơn. Giá cả cũng ổn định hơn và đương nhiên, thu nhập của người nông dân cũng cao hơn.

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Na Sang – Mường Chà cho biết: Thời gian trước, cứ mạnh hộ nào hộ ấy trồng và thu hái chứ không theo một phương pháp hay một quy củ nào cả. Có những thời điểm nhà thì bán rất chạy hết dứa bán. Nhà thì không thể bán được, dứa chín để thối trên nương, từ khi tham gia vào Hợp xác xã, tình trạng này đã được khắc phục, giúp bà con chăm sóc và tìm hướng bao tiêu sản phẩm ..
 

Nhờ trồng dứa, nhiều hộ dân Mường Chà đã thoát nghèo
Nhờ trồng dứa, nhiều hộ dân Mường Chà đã thoát nghèo. ảnh KT

 
Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, hàng chục hộ nông dân tại các xã: Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Hưng, huyện Điện Biên đã tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, với diện tích trên 30ha. Mỗi ha rau xanh sản xuất an toàn, có lợi nhuận cao hơn từ 3 - 20 triệu đồng so với sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Trường, Xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết: Chúng tôi áp dụng quy trình trồng rau an toàn theo hướng Vietgap, sử dụng các loại phân hữu cơ là chính. Thuốc bảo vệ thực vật cũng có sử dụng nhưng chỉ dùng những loại thuốc sinh học. Dùng loại thuốc này, thời gia cách ly sẽ rất ngắn và an toàn cả cho môi trường và người sử dụng.

Tỉnh Điện Biên hiện đã xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân. Điều đáng nói là rất nhiều người nông dân đã khởi nghiệp sáng tạo thành công, bắt kịp với xu thế công nghệ.
 
Năm 2018, toàn tỉnh có tới  hơn 7.340 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đây là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên phương thức sản xuất mới ở nông thôn. Nhiều mô hình mới được người nông dân phát triển một cách sáng tạo, thúc đẩy sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh ta ngày càng khởi sắc./.

 

 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.