Đi tìm xứ sở Pơ Mu

Thứ Ba, 18/12/2018, 09:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ở khu vực các xã Mường Đăng, Ngối Cáy huyện Mường Ảng có dãy núi gọi là dãy Pơ Mu và bản nhỏ nằm trên dãy núi cao này cũng được gọi là bản Pơ Mu. Địa danh này được đặt tên như vậy bởi trước kia nơi đây là xứ sở của cây pơ mu, một loài cây gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm trở lại đây trên dãy pơ mu, loài cây pơ mu đã dần vắng bóng, cùng với đó là nguy cơ mất đi những vẻ đẹp văn hóa gắn với loài cây gỗ quý trên miền đất này.   
 
Một căn nhà sàn ở bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng đang được xây dựng. Những căn nhà sàn của người dân miền núi sử dụng vật liệu chính là gỗ: Cột, kèo gỗ, ván sàn gỗ, thưng vách gỗ. Có một loại gỗ được người dân ở đây đặc biệt ưa chuộng là gỗ pơ mu, loại gỗ quý hiếm chứa nhiều tinh dầu và có mùi thơm rất đặc trưng. Chỉ cần đi qua căn nhà mới dựng có sử dụng gỗ pơ mu, chúng ta có thể nhận ra mùi hương đặc biệt của loại gỗ này.

Dưới gầm sàn một số gỗ pơ mu cùng gỗ dổi đang được xử lí để hoàn thiện căn nhà. Gỗ pơ mu ở vùng này không còn nhiều nên chủ nhà chỉ kiếm được một vài tấm để Làm khung cửa. Những khúc gỗ tròn có đường kính khoảng trên 1m như thế này thường được dùng chế tác đồ gia dụng như mâm gỗ hay mặt bàn. Mặc dù gỗ pơ mu thuộc loại đắt đỏ và đã bị cấm khai thác, vận chuyển nhưng người dân vẫn thích săn lùng ưa chuộng loại gỗ này, bởi nó có độ bền cao và có màu sắc, hoa văn đẹp.

1
Pơ mu là loài cây gỗ quý thuộc ngành thông, họ hoàng đàn, là loài thực vật thuộc loại nguy cấp quý hiếm được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam


Pơ mu là loài cây gỗ quý thuộc ngành thông, họ hoàng đàn, là loài thực vật thuộc loại nguy cấp quý hiếm được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam. Loài cây này khá quen thuộc với người dân huyện Mường Ảng, bởi nơi đây từng có vùng pơ mu nổi tiếng, một vùng núi có tên được đặt theo tên của loài cây gỗ quý này.  

Bao quanh thung lũng Mường Đăng huyện Mường Ảng là các dãy núi có độ cao từ 1.000 đến 1.500m so với mực nước biển. Theo người dân sống trong thung lũng Mường Đăng, trước kia những dãy núi cao bao quanh đây đều được phủ xanh bởi rừng già với hàng ngàn cây gỗ lớn, trong đó có loài cây gỗ quý pơ mu. Hua Sát, Trung Gùa, Thẩm Hái là ba đỉnh núi cao nhất trong vùng.

Đây là khu vực quanh năm có sương mù, khí hậu mát mẻ và cũng là vùng có rất nhiều cây pơ mu cổ thụ. Vì là vùng đất của pơ mu nên người dân địa phương còn gọi dãy núi này là dãy pơ mu. Sống trên dãy pơ mu là các bản người Mông: Chan 1, Chan 2, Chan 3 và bản Pơ Mu, một bản nhỏ nằm ngay trong rừng pơ mu cổ thụ. Ở đây từ nếp nhà tới các vật dụng sinh hoạt của người dân đều có hình bóng của loài cây này.

Bị cuốn hút bởi hương gỗ pơ mu và chuyện về vùng đất được đặt tên theo tên của loài cây gỗ quý này, chúng tôi tìm lên dãy pơ mu. Các bản nhỏ: Chan 1, Chan 2 và bản Pơ Mu thuộc xã Mường Đăng, bản Chan 3 thuộc xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng, nằm rải rác trên cùng một dông núi. Người Mông ở đây bao đời nay đều sống trong những căn nhà gỗ.

Sống trên đất pơ mu người Mông ở đây thường chọn gỗ pơ mu để làm nhà. Theo người dân địa phương, gỗ pơ mu dùng làm nhà cả trăm năm không mối mọt, nên nhà nào không lấy được đủ thưng ván pơ mu, người ta cũng cố tìm cho được vài bộ cửa. Nhà gỗ pơ mu là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Căn nhà gỗ pơ mu của ông Lý A Phảng ở bản Chan 3, xã Ngối Cáy nổi tiếng khắp các bản vùng cao của huyện Mường Ảng. Nhà này được dựng hoàn thiện năm 2007. Nhà dài 21m, rộng 7m, không chỉ có cột, kèo, thưng, ván là gỗ pơ mu, ngôi nhà này còn có mái cũng lợp bằng pơ mu. Dưới mái nhà gỗ pơ mu, đại gia đình ông Phảng gồm 3 thế hệ với 18 người từng chung sống. Nay bố ông đã mất, anh em đều tách ra sống riêng, ngôi nhà này trở thành ngôi nhà đong đầy kỉ niệm của gia đình ông.

1
Ngôi nhà có mái cũng lợp bằng pơ mu ở bản Chan 3, xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng

      
Ngôi nhà gỗ pơ mu hoàng tráng của gia đình ông Lý A Phảng là một trong hai ngôi nhà gỗ truyền thống độc đáo của người dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên. Đây cũng có thể là ngôi nhà gỗ pơ mu cuối cùng được dựng lên trên vùng núi này, bởi rừng pơ mu quanh đây đã dần cạn kiệt.

Theo con đường mòn leo dần lên đỉnh núi, chúng tôi tiếp tục tìm tới bản Pơ Mu. Người dân trong bản sống trên dãy pơ mu cho biết, khoảng 10 – 15 năm trước ở quanh bản Pơ Mu còn rất nhiều cây pơ mu cổ thụ to hai, ba người ôm. Hình ảnh những cây pơ mu cổ thụ lừng lững, tán lá hòa vào sương mây từng là hình ảnh đặc trưng của bản nhỏ này.

Tuy nhiên những hình ảnh đặc trưng ấy nay không còn nữa. Con đường mòn dẫn tới bản Pơ Mu, rừng già hai bên đã dần nhường chỗ cho những vạt nương khô cằn cháy nham nhở. Leo lên dốc núi dựng đứng tìm cây pơ mu, trong hàng ngàn các loài cây gỗ nhỏ, hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp được một vài cây pơ mu non còn sót lại.

 

1
  Còn ít khu rừng Pơ mu đã được Nhà nước rà soát và giao cho cộng đồng khoanh nuôi, bảo vệ

 

Phải mất hàng thế kỷ cây rừng mới cho gỗ, nhưng chỉ trong khoảng vài thập niên trở lại đây đã có nhiều ha rừng quanh khu vực này bị tàn phá. Đó là lí do vì sao loài cây pơ mu quý hiếm ở đây bị  đe dọa. Gần đây khu rừng này đã được Nhà nước rà soát và giao cho cộng đồng khoanh nuôi, bảo vệ.
 
Bên kia dãy pơ mu có một người đàn ông chuyên chế tác khèn Mông.  Người Mông dùng khèn tấu lên khi vui cũng như lúc buồn, trong hội hè và trong nghi lễ. Âm thanh của cây khèn pơ mu đã đằm sâu vào tâm hồn bao thế hệ người dân tộc Mông.

Chế tác khèn Mông không thể thiếu gỗ pơ mu, ông Lý A Lệnh phải leo lên tận đỉnh núi cao tìm kiếm những thân pơ mu thợ gỗ bỏ lại trong rừng vì cây có khiếm khuyết hoặc vì nó ở vị trí quá hiểm trở không vận chuyển được.

Cây pơ mu này bị bỏ lại bởi sau khi cưa đổ người ta phát hiện lõi của nó bị sâu. Những chuyến luồn rừng lội suối tìm gỗ pơ mu làm khèn như thế này rất vất vả. Ông Lý A Lệnh từng mang cây pơ mu non về bản trồng, nhưng nhân giống cây pơ mu không dễ.
 
Với đồng bào Mông trên dãy pơ mu, cây pơ mu gắn với những giá trị độc đáo, là hiện thân của vẻ đẹp vùng cao, nhưng loài cây này trong tự nhiên đã trở nên hiếm hoi. Sự tồn tại của chúng đang thực sự bị đe dọa . Người dân vùng pơ mu sẽ phải gìn giữ ngôi nhà pơ mu cuối cùng và chắt chiu thanh âm từ những cây khèn pơ mu cuối cùng.

Ý thức được điều này, họ từng mang cây pơ mu non về bản trồng, nhưng trong hàng trăm cây chỉ được vài ba cây sống sót. Loài pơ mu chỉ sống được trên núi cao, nơi quanh năm có mưa sương. Nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt và có biện pháp nghiên cứu bảo tồn kịp thời, cây pơ mu loài sống sót duy nhất của chi Hoàng Đàn ở Việt Nam có nguy cơ mất đi, cùng với đó là sự mất đi của những giá trị độc đáo trên miền đất pơ mu./.


                                                                             

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.