CPTPP đặt Việt Nam vào kinh tế toàn cầu, tạo áp lực cạnh tranh cho DN

Thứ Sáu, 02/11/2018, 14:08 [GMT+7]

ĐBQH đánh giá, tham gia CPTPP là cần thiết, kịp thời, đặt Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
 
Sáng ngày (2/11), sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại tổ.
 

cptpp_ugyx.jpg
CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.


Đại biểu Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, khi đàm phán CPTPP bắt buộc phải bí mật, nhưng khi ký rồi thì cần phải tuyên tuyền rộng rãi, để doanh nghiệp không bị bất ngờ.
 
Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền rõ ràng, tháo gỡ thủ tục hành chính tối đa, ông Hải nói, đồng thời cho rằng, cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để điều chỉnh các luật cho phù hợp với tiến độ tham gia Hiệp định CPTPP.

Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc thống nhất phê chuẩn thông qua CPTPP trong giai đoạn hiện nay là cần thiết bởi Việt Nam là thành viên của các nước ASEAN, việc hội nhập bắt đầu cách đây rất nhiều năm.

Việc tiến hành phê chuẩn thông qua CPTPP cũng là cơ hội cho Việt Nam để sâu rộng hơn, bắt nhịp với tiến trình của khu vực và quốc tế, ông Chiến nói.
 
Cần ban hành một luật sửa đổi các quy định có liên quan

Về mặt pháp lý, đại biểu Nguyễn Chiến nhấn mạnh, việc tạo hành lang pháp lý rất quan trọng, và các doanh nghiệp, người lao động cần đánh giá khả năng, yếu thế, khó khăn trong hành lang pháp lý là gì, từ đó có biện pháp khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, cần ban hành một luật sửa đổi các quy định có liên quan đảm bảo tiến độ, thời gian tránh việc sửa đổi nhiều luật.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – lưu ý: Cần phải rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan đến Hiệp định CPTPP để đảm bảo các điều khoản phù hợp với hiệp định này khi được thông qua. “Nếu thấy cần sửa thì phải sửa ngay vì thời gian phê chuẩn CPTPP không còn lâu nữa”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, cần rà soát các danh mục kinh doanh có điều kiện để khi sửa luật đầu tư và luật doanh nghiệp trong kỳ họp tới thì cũng sửa luôn các điều kiện đầu tư và kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề cập đến luật chứng khoán, có một số quy định chưa phù hợp và cần phải sửa trong thời gian tới, đặc biệt là về tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng. Các quy định về tài chính mới, giám sát và xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về chứng khoán xuyên biên giới cũng cần được lưu ý, ông Thanh nêu ý kiến.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi Việt Nam tham gia CPTPP, thuế sẽ giảm, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, cũng có mặt tiêu cực, theo ông Thanh, đó là hàng hóa của các nước thành viên CPTPP sẽ vào thị trường trong nước, trong đó có những hàng hóa Việt Nam đã sản xuất được nhưng khả năng cạnh tranh không nổi, có nguy cơ bị lấn át và thua ngay trên sân nhà.

Ông Thanh cũng cảnh báo, kênh phân phối bán lẻ của các tập đoàn trên thế giới đang lấn át trên thị trường Việt Nam khiến hàng Việt Nam cạnh tranh trong nước cũng khó, và xuất khẩu ra ngoài nước cũng khó.

Cũng đề cập tới vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế Quốc dân, cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về giày da, đồ gỗ, còn hàng kém cạnh tranh là mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện ảnh, điện điện tử.

Về nguyên tắc, CPTPP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan về 0%, nhưng sau khi hiệp định hiệu lực, phần lớn các nước xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với Việt Nam. Trong khi Việt Nam chỉ chịu cam kết xóa bỏ bình quân 66%, ông Cường phân tích.
 
Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo đại biểu này, sự tham gia CPTPP là cần thiết, kịp thời, là thời điểm đặt nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế của khối và của toàn cầu. Đây là động lực để đổi mới thể chế, pháp luật, các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh.

"Cần mở rộng đầu tư tạo sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư sẽ tạo thêm việc làm, thúc đẩy GDP tăng cao hơn. Đây là cơ hội để tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân, tạo sự phát triển đồng đều", ông Cường nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cải cách hành chính cần nhanh hơn nữa, Nhà nước không chỉ quản lý mà cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài./.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.