Cắt giảm điều kiện kinh doanh nhiều nơi vẫn chỉ là "đơn giản hóa"

Thứ Hai, 19/11/2018, 16:23 [GMT+7]

 Một số Bộ mặc dù tinh thần cắt giảm điều kiện kinh doanh khá mạnh mẽ, song thực tế lại không được “mạnh” như tinh thần.
 
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho thấy sự lạc quan của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong quý III/2018. Chỉ số BCI thể hiện niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, hiện tại ở mức 81 điểm, là kết quả cao thứ nhì kể từ cuối năm 2016.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham nhận xét, kết quả BCI là một ví dụ của sự tin tưởng mà doanh nghiệp châu Âu dành cho môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của EuroCham tiếp tục thể hiện sự lạc quan của họ, thông qua các dự định trong đầu tư và phát triển nhân lực tại Việt Nam.

Tuy vậy, khi đánh giá về môi trường kinh doanh và đặc biệt là chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để thực hiện cắt bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép con… song số điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có tới 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
 

1
Việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh của một số Bộ vẫn chưa thực chất.


TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho hay, có một số Bộ mặc dù tinh thần cắt giảm điều kiện kinh doanh khá mạnh mẽ, song thực tế lại không “mạnh” như tinh thần. Điển hình là Bộ NN&PTNT trong 2 năm qua số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm chỉ đạt xấp xỉ 10%. Đây là con số khá khiêm tốn so với các Bộ khác.

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, với mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh  nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, vai trò của các Bộ trưởng là rất quan trọng. Số lượng điều kiện kinh doanh giảm nhiều hay ít, giảm có thực chất hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các Bộ, ngành.

Cũng cho rằng, việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh của một số Bộ vẫn chưa thực chất, nhiều nơi mới chỉ là “đơn giản hóa”, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, số điều kiện kinh doanh được tháo gỡ chưa nhiều, thậm chí có một số điều kiện kinh doanh sửa đổi còn gây thêm khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
 
“Cụ thể, vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp, đáng chú ý số chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); nhiều quy định được sửa đổi lại phát sinh thêm số lượng lớn thủ tục, hồ sơ so với quy định trước”, bà Thảo cho biết.

Đơn cử, Nghị định 59 về Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng yêu cầu một số lượng hồ sơ nhất định thì Nghị định 100 sửa đổi Nghị định này, số lượng hồ sơ được đội lên gấp đôi. Theo bà Thảo, trên thực tế, trong vòng 2 năm qua, số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giảm hóa mới chỉ đạt được 1/3 so với số điều kiện kinh doanh hiện hành.

Ở một khía cạnh khác, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Bam (VCCI) cho rằng, mặc dù đã có những điều kiện kinh doanh thực sự được cắt bỏ, song vẫn thấy sự cắt bỏ ấy có phần rụt rè, thiếu mạnh dạn.

“Chúng ta vẫn thấy dấu ấn của bàn tay Nhà nước trong các quy định, điều kiện kinh doanh, thậm chí có bàn tay nhà nước trong các phương án kinh doanh mà đáng lẽ ra, Nhà nước chỉ cần đưa ra các quy chuẩn, còn phương án kinh doanh phải để thị trường quyết định”, ông Tuấn nêu quan điểm./.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.