Cách thuần dưỡng và lai tạo lợn rừng của người Mông ở Điện Biên
Điện Biên TV - Cách người Mông vùng cao Điện Biên thuần dưỡng và lai tạo loài lợn rừng, tạo ra các dòng lợn rừng lai có giá trị kinh tế cao, đã giành được sự quan tâm lớn của ngành chăn nuôi. Lợn rừng lai được nuôi thả rông theo cách của người Mông, là các sản phẩm đầy tiềm năng để người dân vùng cao phát triển trở thành một đặc sản riêng của mình
Đỉnh Thẩm Hái ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên là đỉnh núi có độ cao 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây quanh năm mù trong mây với khí hậu rất mát mẻ. Trên đỉnh núi cao này hãy còn những vạt rừng thưa nằm xen với các khu nương rẫy. Rừng hỗn giao tự nhiên ở vùng này là môi trường sinh sống lý tưởng của một số loài chim, thú nhỏ, đặc biệt là loài lợn rừng.
Người dân làm nương trên núi thường xuyên bắt được lợn rừng vào nương của họ tìm ăn. Thịt lợn rừng là loại thực phẩm tự nhiên bổ dưỡng rất được người dân miền núi ưa chuộng. Khoảng 5-6 năm gần đây người dân vùng này còn đưa loài lợn rừng hoang dã về thuần dưỡng và lai tạo, tạo ra dòng lợn rừng lai F1 có giá cao trên thị trường. Ngành chăn nuôi Điện Biên cho đây là một nghề đầy tiềm năng cho nông dân miền núi.
Một góc bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên) |
Ông Lý A Lệnh ở bản Chan 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng là người đầu tiên thuần dưỡng và lai tạo lợn rừng thành công trên đỉnh Thẩm Hái. Con lợn rừng to lớn này từng mắc bẫy khi vào nương ngô của dân bản tìm ăn. Ông Lệnh đem nó về trang trại trên núi nuôi đã được 6 năm. Bản tính hoang dã của nó dần được khắc chế, nó đã khá quen với môi trường nuôi nhốt, bớt kích động khi thấy người lạ và còn biết thực hiện một số mệnh lệnh của người nuôi.
Lợn rừng có tập tính rất gần gũi với lợn bản nuôi thả rông của người Mông. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân biệt lợn rừng với lợn bản nhờ bộ lông đầy tính cách của con vật này. Lợn rừng khi còn bé lông lưa thưa, sọc vằn. Khi trưởng thành lông chúng trở nên dày, dài và rậm. Dải lông bờm của lợn rừng trưởng thành rất cứng, mọc dựng đứng từ sống lưng lên tới cổ.
Lợn đực có bộ nanh phát triển giúp chúng tự vệ và tranh giành bạn tình trong mùa sinh sản. Vận động nhiều và ăn các loại thức ăn thô hoàn toàn tự nhiên, thịt lợn rừng có tỷ lệ nạc lên tới 95%. Đây là loại thực phẩm thiên nhiên được nhiều người ưa chuộng và được bán với giá cao trên thị trường. Người Mông Điện Biên thuần dưỡng lợn rừng trước hết bởi họ thích thú với loài động vật hoang dã này, sau đó mới là giá trị kinh tế của chúng.
Để thuần hóa lợn rừng lấy giống, kinh nghiệm của đồng bào Mông Điện Biên là chọn con giống có độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm tuổi. Ở độ tuổi này lợn rừng đã biết tự tìm kiếm thức ăn và có sức đề kháng tốt, vì vậy người nuôi không mất công chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, ở độ tuổi này việc thuần dưỡng lợn rừng có thể thất bại do lợn bị bắt khỏi môi trường hoang dã trở nên hoảng loạn, bỏ ăn và chết.
Để hạn chế điều này, lợn rừng mới đưa về nuôi nhốt cần có môi trường gần gũi với thiên nhiên và ít bị xáo động. Các trang trại, gia trại trên vùng núi cao là nơi đặc biệt thích hợp để lợn rừng quen dần với việc nuôi nhốt. Bắt đầu làm quen với chuồng cũi, thời điểm này lợn rừng cũng cần được làm quen với các loại thức ăn tinh.
Ông Lý A Lệnh - bản Chăn 2 xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên), chăm sóc con lợn rừng thuần nuôi tại gia đình để lai tạo ra thế hệ lợn lai F1, chất lượng thịt ngon như thịt lợn rừng. |
Ông Lý A Lệnh cho con lợn rừng nhỏ mới mang về thuần dưỡng ăn bắp ngô non, sắn củ chặt nhỏ, các loại rau và thỉnh thoảng tập cho nó ăn cơm hoặc cám gạo trộn với rau chuối rừng. Con vật quen dần với lồng nhốt, với người nuôi, nó ăn các loại thức ăn được người mang đến, như vậy là việc thuần dưỡng tiến triển tốt đẹp. Đây là con lợn rừng thứ ba được ông Lý A Lệnh thuần dưỡng tại gia trại trên núi. Ông có khá nhiều kinh nghiệm về việc này.
Kinh nghiệm thuần hóa lợn rừng của người Mông vùng cao Điện Biên đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện bởi những tay chăn nuôi mới. Rút kinh nghiệm từ những người nuôi trước và học hỏi thêm từ sách báo, anh Lý A Xế nuôi được ba con lợn rừng thuần chủng. Nuôi chúng từ khi còn bú sữa, anh Xế thấy thuần dưỡng lợn rừng từ khi chúng còn non sẽ dễ dàng hơn. Ở gần người và được nuôi nhốt từ khi còn nhỏ, nên phản ứng phòng vệ của những con lợn rừng này với con người hầu như không còn nữa. Được tập ăn nhiều loại thức ăn thô và thức ăn tinh, chúng quen dần với môi trường nuôi nhốt và không đòi hỏi chế độ ăn đặc biệt.
Không khí mát mẻ, thoáng đãng, môi trường trong lành ở vùng cao là điều kiện lý tưởng để thuần dưỡng lợn rừng. Ban đầu người Mông vùng cao Điện Biên nuôi loài động vật hoang dã này chỉ vì muốn thỏa mãn tinh thần được khám phá. Họ có những thử nghiệm cho kết quả đầy khích lệ. Một thử nghiệm đem lại hiệu quả thực tiễn là cho lợn rừng đực đã được thuần dưỡng phối giống với lợn cái bản, tạo ra đàn con lai đặc biệt. Sau những thử nghiệm thỏa mãn nhu cầu khám phá đó, lợn rừng thuần chủng mới chính thức được nuôi để lấy giống lai tạo trên những trang trại của người Mông.
Mỗi trang trại nuôi lợn rừng thường có từ 2 đến 3 con giống thuần chủng khác dòng. Lợn rừng lấy giống thường được nuôi nhốt, chuồng nuôi được thiết kế đơn giản nhưng thông thoáng, đặt trong không gian thoáng đãng, gần với nguồn nước và khá cách biệt với các loại vật nuôi khác. Kết hợp kinh nghiệm nuôi lợn rừng và kỹ thuật nuôi lợn nhà sinh sản, người Mông vùng cao Điện Biên đã tổng hợp được các kiến thức cần thiết để dần thuần hóa loài lợn rừng
Lợn rừng thuần chủng lớn lên trong môi trường tự nhiên hoặc được nuôi bằng các loại thức ăn tự nhiên, thịt nhiều nạc, da và thịt giòn, thơm ngon, hàm lượng Cholerteron thấp nên được đánh giá là có chất lượng thịt tốt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc cũng như các nghiên cứu chuyên ngành, để phát triển đàn lợn rừng thương phẩm chất lượng cao cung cấp ra thị trường, nên đưa lợn rừng vào lai tạo.
Những loài vật hoang dã sống trong tự nhiên đều có chu kỳ và quy luật sinh sản riêng. Với loài lợn rừng mùa sinh sản cũng như số lượng con non mỗi lứa phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn. Lợn rừng cái thường động dục vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm và đẻ vào tháng 7, tháng 8, là mùa trong rừng các loài tre, trúc đâm măng và nhiều loại quả rừng chín rụng.
Lợn rừng cái trong tự nhiên mỗi năm chỉ đẻ một lứa, mỗi lứa từ 3 đến 6 con. Đặc tính tự nhiên này vẫn được lưu giữ ngay cả khi lợn rừng cái được đưa về thuần dưỡng. Để cải tạo nó sẽ mất rất nhiều thời gian và công phu. Đây chính là lý do người dân bản Mông chọn cách lai tạo lợn rừng với lợn bản để phát triển đàn lợn rừng thương phẩm.
Lợn bản Mông nuôi thả rông có tập tính khá gần gũi với lợn rừng. Hàng ngày chúng vào rừng kiếm ăn và ngủ trong rừng, chỉ sáng sớm hoặc chiều tối, nghe tiếng chủ gọi chúng mới lục tục theo đàn về nhà. Lợn cái khi đẻ thường tìm vào rừng làm ổ và đẻ trong rừng. Khi lợn con đủ khỏe mạnh chúng sẽ tự theo mẹ về nhà. Lợn bản đẻ sai hơn lợn rừng, mỗi lứa từ 10 đến 15 con và mỗi năm có thể đẻ tới hai lứa. Chất lượng thịt lợn bản ngon không kém thịt lợn rừng, chỉ khác biệt ở tỷ lệ mỡ khá cao. Phát triển đàn lợn rừng thương phẩm trên cơ sở lai tạo giữa lợn rừng với lợn bản, sẽ tạo ra được giống lợn thương phẩm có được các ưu điểm của cả lợn rừng và lợn bản.
Cách đây 5 năm khi nghề nuôi lợn rừng chưa được phổ biến rộng rãi, đàn lợn rừng lai dòng F1 của ông Lý A Lệnh đã trở nên nổi tiếng. Ông dùng một con lợn đực giống là lợn rừng thuần chủng cho phối giống với nhiều lợn cái bản địa cho ra số lượng lớn đàn con lai. Với cách nuôi thả rông trên vùng núi cao và cho lợn ăn thức ăn hoàn toàn tự nhiên như: Sắn nạo, ngô hạt, rau chuối rừng, lợn rừng lai trên trang trại này trở thành sản phẩm đặc biệt, được bán với giá cao. Trong khi lợn bản nuôi tự nhiên bán với giá khoảng 80 nghìn đồng/1kg thì lợn rừng lai có thể bán được 200 ngàn đồng/1kg.
Theo nghiên cứu của ngành chuyên môn, đàn lợn rừng lai dòng F1 mang 50% đặc tính của lợn bố và 50% đặc tính của lợn mẹ. Xét về chất lượng thịt đây là dòng lợn rừng lai có chất lượng thịt tốt. Tuy nhiên, dòng lai này kế thừa nhiều đặc tính hoang dã của lợn rừng bố. Có thể nuôi lợn rừng lai dòng F1 theo hình thức thả rông hoặc bán thả rông. Kinh nghiệm của những chủ trại nuôi lợn rừng lai dòng F1 cũng cho thấy, khi nuôi dòng này rất cần chú ý quản lý lợn nuôi trong các thời điểm.
Ở Việt Nam mô hình lai tạo lợn rừng thương phẩm đã được phát triển ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do chưa chú ý đến nguồn giống và quy trình, kỹ thuật lai tạo, nên chất lượng thịt lợn rừng thương phẩm không đồng nhất. Tình trạng thoái hóa giống cũng khiến chất lượng thịt giảm dần ở các thế hệ sau này. Nhờ chú ý phát triển giống lợn rừng thuần chủng, các trang trại nuôi lợn rừng của người Mông vùng cao Điện Biên đã tránh được tình trạng thoái hóa giống.
Phát triển đàn lợn rừng thương phẩm trên cơ sở lai tạo giữa lợn rừng với lợn bản, sẽ tạo ra được giống lợn thương phẩm có được các ưu điểm của cả lợn rừng và lợn bản. |
Để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, họ cũng đang tiếp tục thực hiện các quy trình lai tạo theo khoa học, để tạo ra đàn lợn rừng thương phẩm kế thừa gần như 100% những đặc tính của lợn rừng thuần chủng. Theo nghiên cứu của nhà chuyên môn, lợn rừng lai theo đúng cách thức và quy trình kỹ thuật, đến thế hệ F4 sẽ đạt được 99% đặc tính giống với lợn rừng thuần chủng. Lợn rừng lai thế hệ F4 chính là giống lợn rừng đã được thuần hóa, có thể nuôi như lợn nhà mà có chất lượng thịt tương đương như thịt lợn rừng.
Tiếng động: ThS. Trần Văn Chiến – Trung tâm phát triển chăn nuôi tỉnh Điện Biên (Quy trình lai tạo lợn rừng thế hệ F4)
Gia trại của Anh Lý A Xế vừa đón 4 con lợn rừng lai thế hệ F3. Để bảo tồn giống lợn rừng thuần chủng và hướng đến sản xuất con giống cung cấp cho thị trường, anh Lý A Xế sẽ tiếp tục chọn lọc và lai tạo cho ra thế hệ con lai tiếp theo mang những đặc tính ưu việt nhất của lợn rừng thuần chủng. Đây cũng là sản phẩm chăn nuôi anh mong muốn cung cấp ra thị trường.
Mô hình thuần dưỡng và lai tạo lợn rừng đã tạo cho người Mông trên núi cao Điện Biên một hướng đi mới. Biến sản phẩm chăn nuôi đầy tính ngẫu hứng thành hàng hóa, lối sản xuất tự cấp, tự túc truyền thống của họ cũng đang dần được xóa bỏ. Sống gần gũi với thiên nhiên, ưa thích những gì phát triển tự nhiên, họ cũng mong muốn mang ra thị trường những sản phẩm chăn nuôi mang tính cách tự nhiên truyền thống. Lợn rừng nuôi bán hoang dã của người Mông vùng cao Điện Biên không sản xuất ồ ạt với số lượng lớn, nên sản phẩm cung cấp ra thị trường không nhiều, nhưng đây thực sự là sản phẩm mang tính cách người Mông, đáng được người tiêu dùng mong đợi.
Minh Giang – Tiến Thế/DIENBIENTV.VN