Các "tư lệnh" ngành kinh tế bị ĐBQH "truy" trách nhiệm đến cùng

Thứ Năm, 01/11/2018, 07:24 [GMT+7]

ĐBQH yêu cầu "tư lệnh" các ngành giải trình, truy trách nhiệm đến cùng về các dự án được dư luận quan tâm như BOT, BT, ODA và 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
 
Trong phiên chất vấn thứ hai (ngày 31/10) tại Nghị trường, "tư lệnh" các ngành như công thương, kế hoạch đầu tư, giao thông vận tải, tài chính đã bị các đại biểu Quốc hội "đeo bám" và "truy" đến cùng để giải trình và chịu trách nhiệm với các vấn đề đang được dư luận quan tâm, trong đó có 12 đại dự án thua lỗ, hiệu quả của các dự án ODA, các dự án BOT đã hoàn thành nhưng chưa được thu phí, và những bất cập liên quan đến các dự án BT.

Một trong những nội dung tâm điểm của phiên chất vấn là về "sức khỏe" hiện nay của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc quản lý của Bộ Công Thương đã từng được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại các kỳ họp trước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cả 12 dự án đều đã làm đồng bộ và toàn diện trong đó có việc xem xét trách nhiệm, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra.
 

1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ, trong số 12 dự án tồn đọng này, dự án đạm Ninh Bình có nhiều vướng mắc, phức tạp, sức khỏe" đang có vấn đề nhất. 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại; còn các dự án khác đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định việc xem xét, xử lý trách nhiệm của từng cá nhân trong việc để xảy ra thua lỗ này rất được chú trọng, đồng thời nhấn mạnh không có chuyện lợi ích nhóm hay bao che cho dù ở cấp nào đối với những cá nhân và tổ chức có liên quan.

Điều này cho thấy, 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ kéo dài nhiều năm thì nay đã có những dấu hiệu tích cực, và được kỳ vọng sẽ sớm hết "bệnh".

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu chất vấn đó là các dự án BOT, dù đã hoàn thành rồi nhưng vẫn chưa được phép thu phí, hoặc chỉ được thu phí một phần khiến chủ đầu tư đang phải chịu thiệt.

Đánh giá các dự án BOT là "hết sức nhạy cảm", Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, có một số dự án BOT đã hoàn thành nhưng chưa đầy đủ các thủ tục để thu phí và một số dự án cho thu phí một phần, trong đó có dự án BOT Đèo Cả và dự án BOT Chợ Mới - Thái Nguyên.

Bộ trưởng Thể thừa nhận "có trách nhiệm lớn" với nhà đầu tư cũng như với xã hội, đồng thời cam kết sẽ sớm báo cáo từng trường hợp cụ thể mặc dù vừa qua Bộ đã có báo cáo tổng hợp chung với Thủ tướng về tất cả các dự án BOT.
 

1
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể


Ông Thể cho hay sẽ có "những giải pháp hợp lý" và sẽ "cố gắng" thực hiện tốt chủ trương để có thể huy động vốn xã hội cho phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
 
Cũng không kém phần "nóng" tại phiên chất vấn là về các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), đổi đất lấy hạ tầng. Trả lời các câu hỏi tại Nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận phản ánh của các đại biểu Quốc hội "rất đúng" về việc "các dự án BT đều chỉ định thầu.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình rà soát đã phát hiện những bất cập trong thanh toán dự án BT. Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương tạm dừng dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ và được đồng ý, giao chủ trì dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực liên quan.
 

1
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng


Việc xác định giá trị thanh toán dự án BT tới đây sẽ được tiến hành chặt chẽ để đảm bảo ngang về giá trị và hiện vật, tránh tình trạng chuyển dự án sử dụng đất sang chỉ định thầu, các dự án sẽ tuân thủ đấu giá 2 lần, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một "tư lệnh" ngành được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn, đó là ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, trong đó tâm điểm hôm nay được xoáy vào nội dung liên quan đến các dự án ODA.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hệ thống pháp luật đã gần được hoàn thiện và được sửa đổi theo hướng hết sức chặt chẽ và thuận lợi cho cả khâu triển khai thực hiện các dự án ODA. Trong quá trình làm là đã lấy ý kiến tất cả các bộ ngành và các địa phương liên quan, đã tổng kết "rút kinh nghiệm" rất nhiều lần và đã hoàn thiện rất nhiều.
 

1
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng


Ông Dũng cũng thừa nhận là "có vấn đề" về đơn vị tư vấn vì chất lượng lập dự án là phụ thuộc nhiều vào tư vấn, trong khi đó chất lượng một số đơn vị tư vấn hưa tốt, còn thể hiện những ý chí của nhà tài trợ hoặc là của các nhà thầu vào dự án. Lãnh đạo ngành kế hoạch đầu tư cam kết sẽ "xem xét hết sức thận trọng" trong thời gian tới.

Với cam kết của người đứng đầu các ngành chủ chốt của nền kinh tế trong phiên chất vấn này, cùng những kết quả xử lý ban đầu khá tích cực, hy vọng rằng các dự án kể trên sẽ sớm được xử lý dứt điểm, tránh gây lãng phí, thất thoát nguồn lực, lấy tại niềm tin của nhân dân vào hiệu quả đầu tư của Nhà nước./.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV

.