"Bát nháo" thị trường gas: Hiểm họa vẫn treo lơ lửng

Thứ Năm, 15/11/2018, 07:20 [GMT+7]

Kinh doanh gas không lành mạnh làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách và khiến người tiêu dùng bất an.
 
Gian lận trong kinh doanh khí gas (LPG) từ lâu nay đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường này. Sự “bát nháo” trong kinh doanh mặt hàng gas đã gây thiệt hại rất lờn cho các nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.

Nguy hiểm hơn, kinh doanh gas không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, khiến nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ gây bất bình trong dư luận, xã hội.

Người người bất an…

Số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2017, nhiều vụ vi phạm lớn về kinh doanh gas đã được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ hàng nghìn bình gas được sản xuất, bị chiếm dụng trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình như các vụ việc ở khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), Dị Sử (Hưng Yên), Vụ vi phạm ở Hải Dương gas, vụ ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và Gas Phúc Khang ở Hoà Bình… Sang năm 2018, những hành vi vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra ở các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Sóc Trăng, Bình Dương, Sơn La…khiến cơ quan quản lý và người tiêu dùng luôn trong trạng thái bất an.
 

1
Kinh doanh gas không lành mạnh đang là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý.

 

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đã phải bỏ vốn đầu tư rất lớn vào việc mua bình gas, làm chủ sở hữu bình gas để đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu, kiểm định, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định định kỳ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về an toàn khi sử dụng bình gas đi vào từng hộ, từng người tiêu dùng.

Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa lại nghiễm nhiên thu lợi bất chính, hưởng lợi từ sự trăn trở, đầu tư tốn kém của người khác. Do vậy, rất cần thiết phải xem xét lại các quy định để xiết chặt hơn quản lý và xử phạt gian lận trong kinh doanh, sang chiết khí gas.

Ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình để tung ra thị trường.

“Các hình thức gian lận thương mại đối với mặt hàng gas đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại Việt Nam. Nhiều thương hiệu gas nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas thời gian qua đã phải thu hẹp thị trường, hoặc phải rút khỏi Việt Nam do tình trạng gian lận thương mại”, ông Hữu cho biết.

Bất bình với thực trạng kể trên, nhiều quan điểm cho rằng, việc xử lý vi phạm trong mỗi vụ việc của các lực lượng chức năng, tại mỗi địa phương có mức độ khác nhau như thời gian qua đã phần nào làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Cần truy xuất nguồn gốc
 
Hiện nay trên thị trường Việt Nam đang có trên 80 thương nhân kinh doanh khí LPG có nhãn hiệu cung cấp LPG chai, khoảng 200 tổng đại lý kinh doanh LPG và khoảng 13.000 cửa hàng bán LPG chai. Tuy nhiên, kinh doanh khí gas với hình thức cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai, chiết nạp lậu… mặc dù đã được phát hiện cảnh báo từ hàng chục năng nay, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa xử lý triệt để, việc xử phạt, xử lý còn thiếu rõ ràng.

Ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguy cơ tiềm ẩn đáng lưu ý nhất của mặt hàng gas và kinh doanh gas đó chính là mặt hàng này có nguy cơ cháy, nổ cao.

“Bình (chai) chứa gas là một loại bao bì đặc biệt, là thiết bị chịu áp lực cao, có liên quan mật thiết đến quá trình tồn trữ, sang chiết, nạp, vận chuyển và sử dụng. Vì vậy, mặt hàng gas có yêu cầu rất nghiêm ngặt trong thiết kế, chế tạo, kiểm định, về an toàn lao động, về phòng cháy chữa cháy, an toàn trong chiết nạp, vận chuyển, sử dụng gas”, ông Hiếu nêu rõ.

Để giúp quản lý thị trường tốt hơn, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Alttek Global JSC cho rằng, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, các mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng.

Về mặt chính sách, theo đề xuất của ông Trần Trọng Hữu, để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật.

Ông Hữu cũng đề nghị xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas.

Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ về hoạt động kinh doanh gas.../.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.