WB dự báo GDP Việt Nam năm 2018 tăng 6,8%
WB dự báo tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo 6,5% hồi tháng 4/2018.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Trong đó, WB đánh giá triển vọng trong trung hạn của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018 (so với 6,5% trong dự báo hồi tháng 4/2018), trước khi chững lại ở mức 6,6% năm 2019 và 6,5% năm 2020 do sức cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại theo chu kỳ.
WB đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam diễn ra đồng loạt ở cả ngành chế tạo chế biến, nông nghiệp, dịch vụ... |
WB cũng cho rằng, mặc dù nền kinh tế có khởi sắc hơn, nhưng dự kiến lạm phát vẫn xoay quanh chỉ tiêu 4% của Chính phủ, với điều kiện chính sách tiền tệ được thắt chặt phần nào nhằm đối phó với áp lực giá phát sinh do áp lực về giá đầu vào trong nước và tăng giá thương phẩm trên toàn cầu.
Về kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong ngắn hạn, nhưng mức độ thặng dự sẽ giảm dần từ năm 2019 do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Tình hình ngân sách được củng cố dự kiến sẽ kiềm chế được nợ công trong kỳ dự báo.
Cụ thể hơn về tình hình kinh tế Việt Nam 2018, WB phân tích: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 7,1% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng GDP diễn ra đồng loạt ở cả ngành chế tạo chế biến, nông nghiệp, dịch vụ...
GDP tăng trưởng cao đi kèm với lạm phát ở mức vừa phải và vị thế kinh tế đối ngoại được củng cố. Nền kinh tế đạt kết quả vững chắc nhờ cam kết của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân. Các chính sách kinh tế của Chính phủ tiếp tục tập trung cải cách theo định hướng thị trường nhằm giảm dần vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục mở cửa kinh tế để thu hút đầu tư tư nhân.
Xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả ấn tượng nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh hơn và năng lực sản xuất được mở rộng, chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Nhờ cán cân thanh toán thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục – ước khoảng 64 tỷ USD vào đầu tháng 6/2018. Trong điều kiện áp lực lạm phát vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục được cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô...
Cần tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững
Về những rủi ro, thách thức trong thời gian tới, WB chỉ ra rằng: Cho dù triển vọng trước mắt được cải thiện, nhưng rủi ro vẫn ở mức cao. Nhìn từ trong nước, tiến trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN chậm lại có thể tác động bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra nghĩa vụ lớn cho khu vực nhà nước.
Những rủi ro bên ngoài bao gồm chủ nghĩa bảo hộ leo thang, bất định địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu tăng lên, các điều kiện huy động vốn trên toàn cầu tiếp tục được thắt chặt có thể dẫn đến những biến động gây xáo trộn trên thị trường tài chính.
WB khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần tận dụng môi trường kinh tế thuận lợi để đẩy mạnh những chính sách làm tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Chính sách tiền tệ cần điều chỉnh lượng thanh khoản trong khu vực ngân hàng sao cho lãi suất liên ngân hàng gắn với lãi suất chính sách và đưa tăng trưởng tín dụng về mức phù hợp với các yếu tố căn bản. Nỗ lực trên có thể được bổ trợ bằng các biện pháp cẩn trọng vĩ mô nhằm ngăn ngừa tình trạng dành tín dụng quá mức cho các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản hoặc tiêu dùng cá nhân.
Hơn nữa, các bước nhằm tăng cường giám sát khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu, củng cố tỷ lệ an toàn vốn sẽ không chỉ giảm rủi ro về ổn định tài chính mà còn đem lại những cải thiện về trung gian tài chính, góp phần nâng cao tăng trưởng trong trung hạn. Tỷ giá hối đoái nếu được quản lý chủ động và linh hoạt hơn có thể giúp giảm thiểu rủi ro do những biến động kinh tế từ bên ngoài.
Về chính sách tài khóa, mục tiêu tiếp tục giảm bội chi đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể nhằm nâng cao hiệu suất chi tiêu và duy trì bền vững tiềm năng thu trong trung hạn. Bên cạnh chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng là nhu cầu tiếp tục chú trọng cải cách cơ cấu sâu rộng, bao gồm cả những cải cách pháp quy nhằm xóa bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, tiếp tục cải cách nhằm nâng cao năng suất trong khu vực DNNN.
Một số địa phương vừa phải hứng chịu thiên tai bão lũ trong thời gian qua. Vì vậy, đầu tư cho các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu vẫn là ưu tiên để phòng ngừa tình trạng dễ tổn thương cho các hộ gia đình ở Việt Nam trước các cú sốc thiên tai.../.
Theo VOV