Phát triển doanh nghiệp phải gắn với trách nhiệm xã hội
Lực lượng doanh nghiệp đã phát triển không ngừng lớn mạnh, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động mỗi năm, cũng như đóng góp khoảng 40% GDP.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp luôn xác định, để tạo ra giá trị bền vững cần phải thực hiện sứ mệnh về trách nhiệm xã hội của mình đối với người lao động, xã hội, cộng đồng.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một điều tất yếu, bởi khi mà sự phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của xã hội thì đó là một mối quan hệ tương hỗ, không thể tách rời. Thực hiện trách nhiệm xã hội được thể hiện qua nhiều mặt về bảo vệ môi trường; ổn định xã hội, quan hệ lao động…
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, thực hiện trách nhiệm xã hội phải gắn liền các hoạt động như đảm bảo an sinh xã hội, chung tay chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội tổ chức nhiều chương trình vì cộng đồng. |
Hiệp hội đã có nhiều chương trình kêu gọi ủng hộ của các “mạnh thường quân” cùng chung tay góp sức. Cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Hiệp hội thực hiện nhiều chuyến đi thực tế làm từ thiện tại các vùng miền, vùng sâu, vùng xa trên cả nước … Việc này được thực hiện hàng năm và thường xuyên với nhiều chương trình khác nhau như: giúp đỡ trẻ em khuyết tật, người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi.
“Để doanh nghiệp một cách bền vững, ngoài việc chúng ta không hủy hoại môi trường thì chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc đi đến các vùng miền có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Ngoài việc doanh nghiệp trích các phần quỹ ra thì cũng kêu gọi các cán bộ, công nhân có những đóng góp cùng chung tay thực hiện trách nhiệm với cộng đồng” - ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Cùng chung tay với xã hội, bà Lê Thu Hương, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Maria cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp không chỉ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, trách nhiệm xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động mà còn đóng góp vào các quỹ, tổ chức vì người nghèo, tạo điều kiện sống tốt hơn cho những vùng khó khăn, thiên tai, hoạt động vì môi trường, cộng đồng…
Doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm chăm lo cho người lao động. |
Theo bà Hương, doanh nghiệp luôn đặt mục tiêu về xây dựng phát triển thương hiệu của mình để tạo ra những sản phẩm tốt cho xã hội. Song song với đó là tham gia các hoạt động về dân sinh. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn dành một phần kinh phí lợi nhuận để hỗ trợ cho bà con vùng sâu vùng xa, vùng lũ lụt trong nhiều năm qua. Bởi làm được việc này cũng là động lực để phát triển doanh nghiệp tốt hơn.
“Để cho bà con, người nghèo được hỗ trợ, bản thân doanh nghiệp chung tay chung sức nhiều hơn với các tổ chức, các Hiệp hội, mỗi khi làm cong việc vì cộng đồng, tôi luôn tâm niệm “cho đi nghĩa là đang nhận lại” – bà Hương nói.
Đối với Tổng công ty cổ phần May 10 thời gian qua luôn lấy người lao động là mục tiêu và động lực cho phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp luôn tạo việc làm ổn định cũng như cải thiện điều kiện làm việc. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các phần mềm quản lý tiên tiến vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, hạn chế những tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho rằng, mặc dù có lực lượng lao động lớn nhưng doanh nghiệp luôn đảm bảo đầy đủ về chế độ kèm theo đó là những chính sách an sinh về dài hạn. Từ đó, nhằm giúp người người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình với doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh, cạnh tranh lao động như hiện nay, việc chăm lo cho người lao động là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như Tổng công ty May 10. Chính vì vậy, bên cạnh chăm lo đời sống cho người lao động, chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất có trường mầm non, phòng khám đa khoa tương đương với bệnh viện cấp huyện, có trường cao đẳng đào tạo nghề cho người lao động” – ông Việt cho biết.
Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ phát triển bền vững cũng như khẳng định thương hiệu của mình trong xã hội. Do đó, đồng hành vào sự phát triển chung của đất nước, của cộng đồng không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới./.
Theo Nguyễn Hằng/VOV