Những nông dân dám nghĩ, dám làm Ở Nậm Pồ
Điện Biên TV - Thời gian gần đây, ở huyện Nậm Pồ xuất hiện ngày một nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến. Năng động, dám nghĩ, dám làm, những nông dân ở Nậm Pồ đã lựa chọn cho mình những cách làm phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nậm Pồ là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn với 63% hộ dân thuộc diện nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác lạc hậu; các ngành công nghiệp, dịch vụ gần như chưa có gì. Chính vì vậy, không chỉ vào thời điểm hiện tại mà trong nhiều năm tới, huyện Nậm Pồ xác định nền tảng chủ đạo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vẫn là sản xuất nông nghiệp.
Ông Giàng A Phổng - bản Pắc A 1, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương dám nghĩ dám làm để nhiều người noi theo. |
Tuy nhiên, trong khi lựa chọn “nuôi con gì, trồng cây gì” để có thể giúp dân thoát nghèo còn là bài toán cấp ủy, chính quyền vẫn loay hoay tìm lời giải, thì đã có những người nông dân tự tìm tòi, ứng dụng những cách làm mới đầy sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để nâng cao thu nhập.
Ở Bản Pắc A1 - nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông, gia đình ông Giàng A Phổng được biết đến là hộ có kinh tế vững nhất. Ở nơi luôn được biết đến bởi sự khó khăn bậc nhất của huyện Nậm Pồ thì gia đình ông Phổng là tấm gương đáng khâm phục về sự vượt khó, thoát nghèo.
Sở hữu 1 đàn trâu 6 con, 1 ao cá trên 1000 m2 và diện tích sản xuất nương rẫy vài ha, mỗi năm gia đình ông Phổng có khoản tích lũy xấp xỉ 20 triệu đồng. Mặc dù đây đã là mức thu nhập mơ ước đối với người nông dân vùng cao, nhưng với riêng ông Phổng thì hoàn toàn chưa thỏa mãn ý chí làm giàu. Chính vì vậy, việc ông quyết định bán 3 con trâu lấy vốn thực hiện dự định mới của mình là điều dễ hiểu.
Với số tiền vốn từ bán trâu, ông Phổng mua 1.500 gốc cây sa nhân, 160 gốc chuối Tây về trồng xen kẽ. Chỉ sau 1 năm, chuối đã cho thu hoạch; cây sa nhân cũng đã phát triển xanh tốt sắp bói quả.
Tại xã Nậm Khăn, để giải bài toán giảm nghèo nhanh và bền vững, cấp ủy, chính quyền nơi đây xác định hướng phát triển chính sẽ chủ yếu dựa vào rừng. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế dựa vào rừng thì phải bảo vệ rừng thật tốt.
Để tránh xâm hại rừng lấy đất sản xuất, người dân Nậm Khăn tận dụng tối những nơi có điều kiện mở rộng diện tích ruộng nước. Chỉ tính riêng 4 năm gần đây, toàn xã Nậm Khăn đã khai hoang, mở rộng thêm 10 ha ruộng nước có thể sản xuất lúa hai vụ.
Với phương châm “lấy rừng nuôi ruộng”, những năm gần đây khá nhiều gia đình đã sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để tái đầu tư thâm canh lúa và phát triển chăn nuôi. Trong đó, gia đình bà Lường Thị Thắm là một trong những điển hình.
Với cách đầu tư được cho là khá táo bạo nhưng hợp lý, gia đình bà Thắm xác định sẽ bỏ hẳn canh tác lúa nương chuyển sang sản xuất lúa nước 2 vụ; kết hợp với đó là phát triển chăn nuôi, gia tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm và đào ao thả cá để nâng cao thu nhập.
Còn tại xã nghèo Nà Hỳ, vợ chồng trẻ anh Lê Tiến Bộ và chị Lèng Thị Đợi ở bản Nà Hỳ 2, lại có cách làm khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nhận thấy nhu cầu lợn giống của người dân khá lớn, anh chị đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư chuồng trại quy mô chăn nuôi lợn nái sinh sản.
Mô hình nuôi lợn nái sinh sản của vợ chồng anh Lê Tiến Bộ và chị Lèng Thị Đợi ở bản Nà Hỳ 2 xã nghèo Nà Hỳ huyện Nậm Pồ (Điện Biên) |
Với khuôn viên trang trại gần 2 nghìn mét vuông nuôi lợn, mỗi năm gia đình anh Bộ xuất bán 3 lứa lợn thịt và khoảng trên dưới 450 con lợn giống. Trừ tất cả các chi phí, khoản lợi nhuận thu được hàng năm của gia đình lên tới trên 100 triệu đồng. Thành công của vợ chồng trẻ này có được chính là nhờ sự mạnh dạn, dám thử sức, biết ứng dụng nhanh nhạy cách làm mới quy mô hơn, khoa học hơn mà chưa ai trong xã nghèo Nà Hỳ dám thử nghiệm.
Cũng lựa chọn hướng phát triển kinh tế dài lâu là chăn nuôi, nhưng gia đình ông Lò Văn Sơ, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa lại đầu tư vốn để phát triển đàn đại gia súc do điều kiện tự nhiên phù hợp với mô hình kinh tế trang trại. Ban đầu ông chỉ có 7 con bò và 1 con trâu, nhờ chăm sóc tốt và có cách tái đầu tư phù hợp, số lượng gia súc đã tăng dần theo từng năm. Tính đến thời điểm hiện nay, đàn gia súc của ông Sơ đã lên tới 42 con.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ, cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng ở huyện biên giới Nậm Pồ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Kết quả đó có vai trò đồng hành rất lớn của tổ chức Hội Nông dân.
Hiện các cấp Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đang quản lý hơn 50 tổ tiết kiệm vay vốn, với 2.200 thành viên. Tổng dư nợ đạt gần 60 tỷ đồng. Ở mỗi chi hội, nguồn vốn vay đều cơ bản được sử dụng đúng mục đích, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình hội viên.
Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, không chỉ có những nông dân tiên phong đưa các loại cây, con mới vào phát triển kinh tế gia đình tại các xã đặc biệt khó khăn như đã đề cập ở trên, mà còn rất nhiều hộ nông dân khác đã và đang mạnh dạn đầu tư vốn, công sức nhằm thay đổi phương thức và tập quán sản xuất cũ để xóa đói giảm nghèo.
Chủ động tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà Nước - đó là minh chứng sinh động cho sự thay đổi về tư duy, nhận thức; đồng thời là tín hiệu tích cực để nông dân Nậm Pồ có thể vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất còn nhiều gian khó này./.
Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN