Ngân sách Nhà nước: Nguồn thu hẹp dần, "cửa" chi phình ra

Thứ Hai, 15/10/2018, 09:48 [GMT+7]

Thời gian qua, tốc độ tăng chi NSNN lớn hơn tốc độ tăng thu NSNN, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao, điều này đe doạ tính bền vững của NSNN.
 
Những năm gần đây, tình trạng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) của Việt Nam luôn ở mức cao và kéo dài, hiệu quả sử dụng nguồn lực công còn bộc lộ nhiều bất cập. Để xây dựng một nền tài chính an toàn, bền vững và hỗ trợ cho quá trình phát triển nhanh, toàn diện, tái cấu trúc tài chính công đang trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.

Phóng viên báo điện tử VOV đi tìm lời giải cho bài toán tái cấu trúc tài chính công của Việt Nam để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế

Theo thống kê của Bộ Tài chính, bình quân 2 năm 2016-2017 quy mô động viên NSNN đạt 25% GDP, cao hơn mức bình quân 23,6% của giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân 26,3% của giai đoạn 2006-2010.

1
Quy mô thu NSNN/GDP (Nguồn: Bộ Tài chính)


 “Cơ cấu thu NSNN còn chưa thực sự bền vững, còn dựa vào các khoản thu từ vốn, các khoản thu có tính chất một lần. Thu từ đất đai chủ yếu là từ giao quyền sử dụng đất và tiền thuê đất trả tiền một lần”, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chỉ rõ.

Cụ thể, khoản thu từ giao quyền sử dụng đất trong cơ cấu thu NSNN có quy mô tương đối cao. Năm 2016 là 8,96% và năm 2017 là 9,7%.

Trong khi đó, tỷ trọng thu NSNN từ các sắc thuế gắn trực tiếp với sản xuất – kinh doanh trong nước như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng… trong tổng thu NSNN đang có xu hướng tăng lên nhưng trong cơ cấu thu nội địa thì nguồn thu từ sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm từ 68,3% giai đoạn 2011-2015 xuống 62,3% trong 3 năm 2016-2018.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Vụ phó Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, tỷ trọng các khoản thu từ sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm xuống cho thấy dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế.

“Chúng tôi xác định sản xuất kinh doanh là gốc là nền tảng để thu NSNN nhưng tỷ trọng các khoản thu trực tiếp từ sản xuất kinh doanh giảm cho thấy dư địa và khả năng tài chính ngân sách của doanh nghiệp có vấn đề”, ông Tân nhấn mạnh.

Còn theo PGS. TS. Lê Xuân Trường, Phó Trưởng khoa Thuế và Hải Quan, Học viện Tài chính, những năm gần đây thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách đã thấp đi nhiều, buộc chúng ta phải tìm nguồn khác bù đắp cho thu ngân sách, nhưng phải là những nguồn thu bền vững, tức là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì mới có cơ sở để tăng thu ngân sách.

Chi ngân sách liên tục tăng

Trong khi đó, quy mô chi NSNN xét về số tuyệt đối lại không giảm. Xét về số tương đối so với GDP mặc dù có giảm nhưng không đáng kể. Trung bình giai đoạn 2006-2010 là 29,7% và giai đoạn 2011-2015 là 29,4% GDP.
 

1
Quy mô chi NSNN/GDP (Nguồn: Bộ Tài chính)


Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hoài, Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, tổng chi NSNN liên tục tăng trong giai đoạn 2013-2017 với tỷ lệ tăng bình quân trong giai đoạn này là gần 10%. Năm có tỷ lệ tăng chi cao nhất là năm 2017, tăng 19,5% so với năm 2016.

“Tốc độ tăng chi NSNN lớn hơn tốc độ tăng thu NSNN thời gian qua dẫn đến cân đối NSNN khó khăn, bội chi cao, điều này đe doạ tính bền vững của NSNN”, PGS Nguyễn Thị Thanh Hoài cảnh báo.

Bên cạnh đó, PGS Hoài cho rằng, cơ cấu chi NSNN chưa thực sự hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn, tốc độ nhanh trong khi chi đầu tư phát triển giảm và tốc độ chậm hơn chi thường xuyên. Tỷ trọng chi thường xuyên trung bình giai đoạn 2013-2017 chiếm trên 65% tổng thu NSNN.

“Cơ cấu chi ngân sách chưa thực sự hợp lý, khoản chi cho khoa học, công nghệ, môi trường còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chi”, bà Hoài đánh giá.

Trong cơ cấu chi NSNN, khoản chi đầu tư hàng năm chiếm tỷ lệ dưới 25% tổng chi NSNN, tốc độ tăng chi không cao, có năm còn giảm so với năm trước (như năm 2016 giảm 4% so với năm 2015).  

“Chi đầu tư vẫn còn tình trạng giải ngân vốn đầu tư từ NSNN đủng đỉnh vào đầu năm và dồn dập vào cuối năm; vẫn còn tình trạng tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN không đồng đều giữa các bộ, ngành cũng như giữa các địa phương, điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả đầu tư công”, bà Hoài chỉ rõ.

Bội chi NSNN năm 2016 là 5,52% GDP (theo cách tính của Việt Nam), xấp xỉ mức bình quân giai đoạn 2011-2016, kéo theo nợ công tăng nhanh, từ quanh mức 50% GDP (năm 2010) lên khoảng 63,7% GDP (năm 2016). Mặc dù dư nợ công năm 2017 giảm xuống còn 61,4% GDP, tiệm cận ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội cho phép. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, nợ công ở mức cao đã làm cho không gian tài khóa bị thu hẹp, dư địa về khả năng can thiệp của Chính phủ khi cần thiết đã giảm đáng kể so với trước.

“Cân đối NSNN tuy có cải thiện bước đầu nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô và cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững, bội chi kéo dài và nợ công ở mức cao. Hệ lụy cuối cùng của những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến tính bền vững trong tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn”, ông Tuấn cảnh báo./.

 

 

Theo VOV

.