Lao động trong doanh nghiệp nhà nước đứng đầu bảng về mức thu nhập
Khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất với 11,91 triệu đồng. Song số lao động làm việc trong khu vực này đang giảm dần.
Tổng cục Thống kê vừa công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017.
Theo kết quả của Bộ chỉ tiêu, thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2017 trong khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 cao nhất với 11,91 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016.
Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 9,04 triệu đồng, tăng 6,2%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động cao nhất với 7,37 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm 2016.
Phân loại theo khu vực kinh tế, kết quả cho thấy: Khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động năm 2017 đạt cao nhất với 9,41 triệu đồng, tăng 13,5% so với năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,76 triệu đồng, tăng 8,7%.
Ở vị trí thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với 5,25 triệu đồng, tăng 3,9% so với năm 2016.
Về phân loại theo địa phương, Bộ chỉ tiêu cho thấy, các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2017 cao nhất cả nước là những địa phương thuộc các trung tâm kinh tế lớn thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất những năm qua.
Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,4 triệu đồng; thành phố Hồ Chí Minh 9,85 triệu đồng; Hà Nội 9,19 triệu đồng; Bắc Ninh 8,98 triệu đồng; Đồng Nai 8,82 triệu đồng; Thái Nguyên 8,74 triệu đồng; Quảng Ninh 8,29 triệu đồng; Bình Dương 8,19 triệu đồng…
Những địa phương có mức thu nhập bình quân tháng trong năm 2017 dưới 5 triệu đồng, thấp nhất cả nước gồm: Bạc Liêu 4,17 triệu đồng; Điện Biên 4,32 triệu đồng; Sơn La 4,58 triệu đồng; Đắk Nông 4,64 triệu đồng; Đắk Lắk 4,74 triệu đồng; Thanh Hóa 4,91 triệu đồng.
Lao động của khu vực doanh nghiệp
Thống kê của Bộ chỉ tiêu cho thấy, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 5,9% lao động.
Phân loại theo khu vực kinh tế: Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút thêm 5,5% lao động, khu vực dịch vụ thu hút thêm 6,9% lao động và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút giảm 0,6% lao động.
Theo loại hình doanh nghiệp: Cùng với xu hướng giảm dần về số lượng doanh nghiệp do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần về số lượng và cơ cấu trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này giảm 4% lao động.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 5,7% lao động.
Khu vực FDI là khu vực đang có tốc độ thu hút lao động tăng nhanh nhất trong ba khu vực, bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 11,1% lao động./.
Báo cáo cũng cho thấy, 26/63 địa phương có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2017 cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước.
Cụ thể: Bắc Ninh tăng 19,8%; Thái Nguyên tăng 18,1%; Hậu Giang tăng 15,2%; Vĩnh Phúc tăng 13,8%; Bắc Giang tăng 13,4%; Hà Nam tăng 13,3%; Tiền Giang tăng 12,8%; Bến Tre tăng 11,8%…
Ngoài ra, có 9/63 địa phương có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm, gồm: Hà Giang giảm 4%; Bắc Kạn giảm 2,7%; Phú Yên giảm 2,3%; Gia Lai giảm 2,1%; Sơn La giảm 1,6%; Lai Châu giảm 1,5%; Đắk Lắk giảm 1,4%; Cao Bằng giảm 0,4%; Quảng Trị giảm 0,2%./.
Theo Nguyễn Trang/VOV