Kết quả bước đầu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở huyện Điện Biên

Chủ Nhật, 28/10/2018, 15:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bước vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, trong 3 năm gần đây huyện Điện Biên đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, củng cố các HTX nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất. Kết quả bước đầu cho nỗ lực của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp và bà con nông dân huyện Điện Biên trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đang tạo ra xu hướng mới trong sản xuất.

Huyện Điện Biên có nhiều lợi thế trong việc quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp với hơn 6.000 ha đất sản xuất lúa và trên 2.400 ha hoa màu các loại. Bên cạnh tiềm năng về đất đai, nông dân các xã trên địa bàn cũng có kinh nghiệm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ cung cấp nông sản theo nhu cầu thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện triển khai đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. 

1
Huyện Điện Biên có hơn 6.000 ha đất sản xuất lúa

 

Xác định tái nông nghiệp là quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, gắn phát triển sản xuất với chế biến nông sản và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích của cả người sản xuất, người kinh doanh cũng như người tiêu dùng, huyện Điện Biên đã có bước đi hợp lí. Trước hết huyện vận dụng các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất làm thay đổi nhận thức của nông dân tạo ra những vùng sản xuất nông sản sạch. Tiếp theo đó huyện thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ; vận động thành lập mới và chuyển đổi hoạt động của các HTX nông nghiệp truyền thống, hướng tổ chức này sang sản xuất theo chuỗi liên kết để tạo cú hích cho sản xuất.

Thực hiện cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các HTX liên kết với bà con nông dân xây dựng các mô hình sản xuất lớn, trong 3 năm gần đây sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến.

Ngay từ năm 2015, sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã kết hợp với bà con nông dân trong xã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo thương hiệu Điện Biên chất lượng cao. HTX cam kết hỗ trợ bà con từ giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm.

Thành công trong  liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản ngay từ vụ đầu tiên, sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã thu hút được 80 hộ gia đình nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Diện tích sản xuất lúa gạo chất lượng cao của HTX cũng tăng lên từ 31 ha năm 2016 lên 70 ha năm 2018. Sản phẩm gạo Tâm Sáng đảm bảo 100% các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm do HTX sản xuất, được đóng gói tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.
 
Khá thành công trong việc tạo chính sách thông thoáng, khuyến khích các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, sản phẩm gạo Điện Biên sản xuất trên địa bàn huyện đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường nội tỉnh và dần vươn xa ra thị trường toàn quốc.

1
Khu chế biến, đóng gói gạo của HTX dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên. ảnh KT

 

Bên cạnh HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, là Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Điện Biên và Công ty TNHH Safe Green. Đăng kí sử dụng chỉ dẫn địa lí gạo Điện Biên, đưa sản phẩm gạo Điện Biên an toàn thực phẩm tìm tới thị trường mới, các doanh nghiệp này đang giúp nâng cao giá trị lúa gạo đặc sản Biện Biên. Đây cũng là thành công bước đầu khẳng định hướng đi đúng của huyện Điện Biên trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.  

Tiếp theo chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, với tiềm năng sẵn có là đất sản xuất nông nghiệp và truyền thống sản xuất, chăn nuôi của bà con nông dân trong huyện, huyện Điện Biên còn khuyến khích người nông dân và các doanh nghiệp hợp tác phát triển các mô hình nông sản lợi thế khác. Công ty TNHH Safe Green tham gia liên kết sản xuất rau, quả hữu cơ trên địa bàn huyện. Công ty này có 1 trang trại trồng trên 50 loại rau, quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và còn có 1 cửa hàng liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch với bà con nông dân các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên.

Sản phẩm của chuỗi liên kết bao gồm các loại rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP ; bánh khẩu xén, cung cấp trên thị trường Điện Biên và thành phố Hà Nội. Các sản phẩm công ty liên kết với bà con nông dân sản xuất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
 
Tạo ra được các chuỗi sản xuất góp phần hình thành vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, là thành công bước đầu của huyện Điện Biên trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Với các sản phẩm đăng kí sản xuất theo chuỗi liên kết, nông sản hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn yêu cầu, được kiểm định chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, huyện Điện Biên đang có ngày càng nhiều nông sản có sức cạnh tranh, vươn tới các thị trường rộng lớn, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Các chuỗi sản xuất nông sản chất lượng cao có quy mô lớn được hình thành, cũng tạo ra xu hướng sản xuất mới ở địa phương: Xu hướng sản xuất sạch và phát triển các sản phẩm lợi thế phù hợp với từng địa bàn.            

Mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thỏ theo hình thức chăn nuôi “3 sạch” của gia đình ông Bùi Quang Điện, đội 13, xã Thanh Luông. Thỏ nuôi là sản phẩm nông nghiệp ít được phát triển trên địa bàn huyện Điện Biên. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường ông Điện đã chọn loại vật nuôi này để phát triển kinh tế. Nuôi thỏ trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên, phòng bệnh đúng cách và cho thỏ ăn thức ăn sạch, hai năm nay sản phẩm thỏ nuôi của gia đình ông tiêu thụ khá mạnh trên thị trường toàn tỉnh, cho anh thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ năm.

1
Trang trại nuôi vịt của gia đình chị Ngô Thị Phượng, đội 7 xã Thanh Yên huyện Điện Biên. ảnh KT

 

Mô hình nuôi rắn hổ mang bằng các loại thức ăn có sẵn trong tự nhiên của gia đình ông Phạm Văn Dũng là mô hình chăn nuôi mới ở Thanh Luông và ở tỉnh ta hiện nay. Ngoài bán rắn hổ mang sống với giá 1 triệu đồng/1kg, ông Dũng còn kinh doanh rắn hổ mang ngâm rượu. Cung cấp ra thị trường sản phẩm đặc biệt, riêng có trên thị trường của tỉnh. Hàng năm, gia đình ông Dũng có thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng.

Tìm được nhiều sản phẩm nông nghiệp lợi thế, cung cấp sản phẩm nông sản sạch theo nhu cầu thị trường giúp nông dân Thanh Luông nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 28 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là xu hướng mới trong sản xuất của nhiều xã trên địa bàn huyện Điện Biên khi bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
 
Tái sản xuất nông nghiệp là quá trình làm thay đổi về chất của nền nông nghiệp, nhằm đảm bảo môi trường sản xuất bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, có tính cạnh tranh cao trên thị trường và đảm bảo phúc lợi cho người nông dân. Các chuỗi liên kết tạo được trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Điện Biên mới chỉ là bước đầu khởi động thực hiện quá trình này.

Để quá trình tái cơ cấu nông nghiệp được đẩy mạnh, địa phương cần khuyến khích tăng cường khoa học công nghệ trong sản xuất, chú trọng hơn nữa tới phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Với địa bàn rộng, sản phẩm nông nghiệp đa dạng, thực hiện tốt các biện pháp tái cơ cấu là cách để huyện khẳng định và phát huy thế mạnh về nông nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
                                                        

 

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.