Chống hàng giả, hàng nhái: Người tiêu dùng, doanh nghiệp cần vào cuộc

Chủ Nhật, 21/10/2018, 14:41 [GMT+7]

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có sự tham gia của người tiêu dùng và chính doanh nghiệp.
 
Thực tế hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu, bằng nhiều hình thức. Trên thị trường cứ mặt hàng nào tiêu thụ mạnh, được ưa chuộng là ngay lập tức có hàng giả, hàng nhái.

Hàng giả, hàng nhái công khai hoành hành đến mức, các đối tượng sản xuất ra mặt hàng này không dán nhãn mác sẵn, khi người mua có nhu cầu mua hàng của thương hiệu nào thì dán ngay nhãn của thương hiệu đó.

Ông Trần Sỹ Quang, chuyên gia của Công ty Aliat Legal- một doanh nghiệp chuyên tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành điều tra về nhiều vụ khác. Ví dụ như nón bảo hộ lao động. Mặt hàng nón bảo hộ lao động được nhập về không có tem nhãn hiệu trên nón. Khi khách hàng yêu cầu những nhãn hiệu nào của nón bảo hộ lao động nổi tiếng hoặc đang tiêu thụ mạnh trên thị trường Việt Nam thì người ta mới đưa tem cho dán vào”.
 

1
Chống hàng giả, hàng nhái cần có sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)


Ngoài ra, trên thị trường, những năm gần đây, người tiêu dùng và doanh nghiệp bức xúc trước nạn làm giả thuốc tân dược, thực phẩm chức năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, làm giả phân bón khiến nông dân điêu đứng.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ: “Hình thức thứ nhất là làm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hình thức thứ hai là gian lận thương mại làm hàng kém chất lượng hoặc ghi nhãn hàng hóa mập mờ thương hiệu để người tiêu dùng nhầm lẫn, không nhận biết được. Các đối tượng tập trung chính vào gian lận thương mại, làm hàng kém chất lượng vì trong quy định của chúng ta chỉ xử lý hành chính được thôi”.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện hơn 34.700 vụ vi phạm, xử phạt trên 121 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm chủ yếu về nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, quyền  sở hữu trí tuệ…
 
Tuy nhiên, con số này được đánh giá là chưa phản ánh hết thực tế bởi hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan và ở mọi lĩnh vực, số vụ vi phạm lớn hơn nhiều. Công tác phòng chống còn khó khăn do nhiều nguyên nhân. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác này, chưa quyết liệt thực hiện các quy định, giải pháp đã có. Đồng thời, có một thực trạng là hàng giả, hàng nhái được chính người tiêu dùng và doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả bỏ qua, coi như không biết.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết: “Thực tế có đến 90% dân số biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không dám đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, quản lý thị trường một năm xử lý hàng chục ngàn vụ nhưng hàng giả vẫn tràn lan. Công tác chống hàng giả ngày càng khó khăn, ngay từ nhận diện hàng giả, phát hiện ra đối tượng để xử phạt đã khó khăn”.

Từ thực tế đó, Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị Chính phủ có thêm những quy định cần thiết, tăng chế tài xử phạt, sửa đổi hợp lý một số yêu cầu đối với lực lượng chức năng. Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học- Công nghệ cũng sẽ kiến nghị tăng xử lý hình sự với xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dù luật đã có từ năm 2005 nhưng còn ít vụ được đem ra xử. Đồng thời kiến nghị xét xử sở hữu trí tuệ cần được chuyên nghiệp hóa ở một số tòa, một số thẩm phán. Nhưng quan trọng và cần thiết hơn cả là sự vào cuộc của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Làm thế nào cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mạnh dạn tố cáo các vi phạm để ngăn chặn, xử lý.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia mong muốn: “Trước hết, doanh nghiệp sản xuất phải bảo vệ, kiểm soát hàng hóa của mình. Doanh nghiệp cố gắng làm sao xã hội hóa để toàn dân cùng bảo vệ hàng hóa cho mình. Nếu người dân phát hiện hàng giả thì công ty có thể thưởng được không, tiền thưởng đó đưa vào chi phí sản xuất. Nếu làm được như thế sẽ bảo vệ được hàng hóa của mình. Đây là những giải pháp tôi thấy cần phải áp dụng. Từng doanh nghiệp, từng tập đoàn có những kinh nghiệm hay thì cơ quan chức năng chúng tôi nghiên cứu, nhân rộng điển hình”.

Trước mắt, theo Tổng cục Quản lý thị trường, đã đến lúc các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải làm tốt công tác cảnh báo về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về cách nhận diện, tác hại và hình thức xử lý. Song song đó, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để thông tin rộng rãi các vụ việc vi phạm cho người tiêu dùng biết và tránh. Doanh nghiệp cần theo dõi sát tiêu thụ hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, coi quyền sở hữu trí tuệ là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, là tài sản vô hình phải bảo vệ, dần bỏ đi suy nghĩ coi công tác chống hàng giả, hàng nhái chỉ là của cơ quan chức năng./.

 

 

Theo Minh Hạnh/VOV

.