Bao năm chồng chất, 35.000 tỷ nguy cơ "hóa bùn"

Chủ Nhật, 21/10/2018, 09:18 [GMT+7]

Nợ thuế so với năm 2017 tăng lên đáng kể, trong khi đó nợ khó đòi cũng tăng theo. Bộ Tài chính muốn sửa Luật quản lý thuế để dễ dàng xóa các khoản nợ thuế không thể thu hồi.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Đại biểu Quốc hội cho thấy, việc thu hồi nợ đọng thuế tăng dần qua các năm. Năm 2016 thu được 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6%; năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng, tăng 11,9%.

Tính đến ngày 30/9/2018, đã thu nợ được 25.382 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng số tiền nợ thuế được Tổng cục Thuế thống kê cho thấy: Tính đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế là gần 83.000 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu lên đến gần 35.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ và tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
 

1
Nợ thuế không thể thu hồi vẫn còn rất lớn.



Theo Bộ Tài chính, số nợ đọng tăng lên chủ yếu là số nợ đọng không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế tăng lên.

Nguyên nhân là do một số người nộp thuế trong quá trình tham gia kinh doanh được pháp luật coi là đã bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không thanh toán được nợ thuế, không xác minh được tài sản của người nộp thuế còn tài sản hay không...

Do đó cơ quan thuế không thực hiện được việc thu nợ cũng như xóa nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Tính đến 31/12/2017, có 1.818 người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, một số người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh do nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Phá sản.

Trường hợp này, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 106 của Luật Quản lý thuế thì người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày, kể cả người nộp thuế thực tế không còn đối tượng để thu, đã được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, không còn pháp nhân, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều này dẫn đến tiền phạt và tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31/12/2017 tăng lên đến 12.273 tỷ đồng.

”Số nợ này theo dõi trên sổ sách của cơ quan thuế, nhưng là nợ ảo, tạo áp lực về chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế trong việc theo dõi quản lý nợ thuế”, Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm, do vậy chưa bao quát hết được các trường hợp không tính tiền chậm nộp, xóa nợ trong thực tiễn đã xảy ra.

Song song với việc đôn đốc thu nợ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội ban hành, trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nợ thuế, xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế, xử lý nợ thuế phù hợp với yêu cầu quản lý, cũng như thực tế phát sinh và theo thông lệ quốc tế, một mặt tạo điều kiện cho người nộp thuế chuẩn bị nguồn tài chính để nộp thuế, mặt khác quản lý hiệu quả số tiền nợ thuế./.

 

 

Theo VOV

.