Áp lực dồn đẩy lạm phát sang năm 2019?

Thứ Bảy, 27/10/2018, 18:15 [GMT+7]

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, ngân sách bị ảnh hưởng cân đối thu chi, áp lực dồn đẩy lạm phát sang năm 2019.
 
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay (27/10) về phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang - nêu quan ngại về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI). "Ngân sách ít nhiều bị ảnh hưởng cân đối thu chi, áp lực dồn đẩy sang năm sau để kiềm chế lạm phát. Vì thế, Chính phủ cần có kế hoạch tốt", ông Hải nói.
 

1
Đại biểu Quốc hội lo áp lực kiềm chế lạm phát vào năm tới sẽ lớn. (Ảnh minh họa)


Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ: Để kiểm soát mức lạm phát thấp hơn 4%, Chính phủ đã sử dụng một số giải pháp hành chính như hoãn tăng giá điện, kiềm chế giá xăng dầu. Sẽ có áp lực dồn đẩy sang năm 2019, nên Chính phủ cần có kế hoạch thật tốt kiểm soát lạm phát năm sau.

Ông Nguyễn Thanh Hải đánh giá, tăng trưởng GDP 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội là tín hiệu tích cực, nhưng tính bền vững chưa vững chắc khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP, cho thấy tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới nhưng nguồn lực đáp ứng nhu cầu (phục vụ sản xuất của khối FDI) lại nhập từ bên ngoài. Do đó, ông Hải đề nghị cần có giải pháp tích cực trong thời gian tới.
 

1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải


Cùng với đó, theo đại biểu tỉnh Tiền Giang, Chính phủ cần tăng dự báo tình hình, nhất là trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; như việc chuyển dịch hàng Trung Quốc và tỷ giá sẽ tránh được những thiệt hại cho xuất khẩu, tránh thực trạng được mùa mất giá nông sản như vừa qua...

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Khánh Hoà) nhấn mạnh, Chính phủ đã kiên định với các mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ đó là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, nỗ lực quyết tâm của doanh nghiệp và nhân dân cả nước làm tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 có chuyển biến tích cực. Con số 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch ngân sách của Quốc hội giao là rất ấn tượng, vì đây là năm đầu tiên trong nhiều năm đạt kết quả này, bà Thu đánh giá.
 

1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu


Bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng so với kế hoạch giao 5 năm như chỉ tiêu tăng trưởng GDP, chỉ tiêu giá tiêu dùng CPI, thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, nợ công giảm mạnh. Đặc biệt dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế, tồn tại, trong đó có vấn đề chậm tiến độ trong đầu tư công, tình trạng được mùa mất giá vẫn tiếp tục tái diễn.../.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV

.