Tạo đột phá trong công tác lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển KT-XH

Thứ Hai, 24/09/2018, 16:12 [GMT+7]

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, từ năm nay sẽ làm theo quy mô từng vùng.
 
Sáng nay (24/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đây là lần đầu tiên Bộ KH&ĐT tổ chức sự kiện này, và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây chính là một bước đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch.
 

1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự đổi mới mạnh mẽ của ngành kế hoạch - đầu tư.

 

Bộ trưởng Dũng cho hay, thông thường trước đây, vào thời điểm này hàng năm, các địa phương sẽ tới Bộ KH&ĐT để báo báo về tình hình phát triển - kinh tế xã hội năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Tuy nhiên, từ năm 2017, thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp, Bộ đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, nay sẽ làm theo quy mô từng vùng.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, sự đổi mới mạnh mẽ của ngành kế hoạch - đầu tư nhằm triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, cũng như chuẩn bị cho lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu

Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Ông Phương nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu.
 
Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Các chỉ tiêu quan trọng khác, đó là nợ công giảm xuống từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018; thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao...
tao dot pha trong cong tac lap ke hoach de thuc day phat trien kt xh hinh 2
Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Về định hướng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, Bộ KH & ĐT dự kiến thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là củng cố nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị: Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư để rà soát, phân loại các dự án đầu tư nước ngoài.

Đối với kế hoạch vốn 2019 phần vốn nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, nhất là thủ tục các dự án đảm bảo đủ điều kiện để giao vốn và xây dựng phương án, giao vốn tối đa hạn mức trung hạn nhằm đảm bảo đủ yêu cầu về vốn ODA trong năm 2019./.

 

 

Theo VOV

.