Nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm 0,28% diện tích đất nông nghiệp

Thứ Năm, 20/09/2018, 16:52 [GMT+7]

Diện tích đất làm nông nghiệp hữu cơ ước tính khoảng 0,28% diện tích đất làm nông nghiệp. Đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng.
 
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, diện tích nông nghiệp hữu cơ nước ta phát triển nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện Việt Nam có khoảng 76.666 ha nông nghiệp hữu cơ, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN. Tuy nhiên, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu ha, diện tích thực hiện nông nghiệp hữu cơ còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 0,28%).
 

1
Tọa đàm tại hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.


Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu, tập trung vào sản phẩm như chè, gia vị và tinh dầu.

Phát biểu tại hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chủ yếu là chè và rau quả ở các thành phố lớn, gắn với thực trạng mối lo về vấn đề an toàn thực phẩm.

"Một số cửa hàng, siêu thị bày bán các sản phẩm rau quả hữu cơ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với giá tương đối cao so với sản phẩm cùng loại, tuy nhiên người tiêu dùng còn chưa thật sự tin cậy vì thiếu thông tin xác thực và chưa được chứng nhận của bên thứ ba", ông Hà Phúc Mịch cho hay.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, rất nhiều các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới, các hoạt động áp dụng và chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn sản phẩm hữu cơ... gần như chưa được điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà nước ban hành.

Các hoạt động sản xuất, chế biến theo phương pháp hữu cơ còn khá manh mún, tự phát thiếu định hướng, thiếu kiểm soát. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng và nhà sản xuất, chế biến, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh đang phải dựa hoàn toàn vào sự tin cậy đến từ các sản phẩm nhập khẩu được chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài với chi phí rất đắt đỏ, dẫn tới đội giá thành sản phẩm và gây khó khăn cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông có thể tiếp cận được lợi ích từ các sản phẩm này.
 
Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Minh, chuyên gia đánh giá trưởng Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT, đây chính là một trong những rào cản đáng kể dẫn tới việc thực phẩm được chứng nhận hữu cơ đang là những mặt hàng có tính xa xỉ chỉ dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao.

"Việc thiếu các chuẩn mực, hướng dẫn áp dụng cũng như các quy trình chứng nhận thực phẩm hữu cơ một cách minh bạch cũng tạo kẽ hở cho việc gian lận trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hữu cơ gây nhiễu động thị trường, xói mòn niềm tin của người tiêu dùng", ông Minh nhấn mạnh.
 
Ông Lê Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, việc công bố các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ có hệ thống, đưa ra các mô hình chứng nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp đối với các sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài nước, từ đó xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng và quy trình chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phù hợp với TCVN về nông nghiệp hữu cơ là cần thiết.

"Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức chứng nhận sự phù hợp ở trong nước để có cơ sở triển khai áp dụng một cách nhất quán, minh bạch và công khai, qua đó gia tăng sự tin cậy lẫn nhau thông qua cơ chế tuân thủ việc áp dụng yêu cầu tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận độc lập", ông Hải cho hay.

Cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã công bố bộ Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041:2017. Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ số 109/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 29/8/2018, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu./.

 

 

Theo Vân Anh/VOV

.