Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Toả Tình
Điện Biên TV - Để tìm hướng thoát nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, trong những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo đã tập trung chỉ đạo Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa những giống mới cho năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó đời sống của người dân từng bước ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân yên tâm sản về chuyển đổi cây trồng, xã đã tích cực hướng dẫn bà con về khâu chọn giống, tập huấn kỹ thuật, tìm đầu ra cho các sản phẩm. Từ đó, giúp nông dân trên địa bàn khai thác hiệu quả diện tích đất đai bằng những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã có gần 200ha cà phê; hơn 140ha cây Sơn tra, còn gọi là Táo mèo.
Huyện Tuần Giáo đã tập trung chỉ đạo Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa những giống mới cho năng suất cao vào sản xuất |
Ngoài các loại cây trồng như: Cà phê, Sơn tra, Sa nhân, thì ở 7 bản vùng cao của xã Tỏa Tình đều trồng cây ngô lai. Đây là cây trồng luôn gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Mông, là loại ngũ cốc chiếm ưu thế ở địa phương này. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đến nay đời sống người dân xã Tỏa Tình đã từng bước xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Hiện nay xã xác định vận động, tuyên truyền nông dân giảm dần những diện tích trồng ngô, lúa và cây sắn trên nương kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây cà phê. Xã Tỏa Tình chủ trương mở rộng tối đa diện tích trồng cà phê và cây Sơn tra ở những nơi phù hợp.
Một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được người dân Tỏa Tình trồng là cây Sa nhân. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 50 ha Sa nhân. Trồng Sa nhân chỉ mất 3 năm đầu chăm sóc làm cỏ, những năm sau, cây mọc lan kín mặt đất nên gần như cả năm không mất công chăm sóc và cho thu quả khi đến mùa. Sa nhân trồng tại đây chủ yếu là loại Sa nhân quả xanh, dễ trồng, thích hợp với đất và khí hậu của vùng.
Do giá thành cao, sản lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng Sa nhân ngay từ đầu năm. Ngoài những lợi ích kinh tế, việc trồng Sa nhân còn có tác dụng chống xói mòn đất trong mùa mưa, chống cháy rừng trong mùa khô và bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra việc trồng Sa nhân còn có tác dụng cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất; tăng hệ số sử dụng đất lâm nghiệp bền vững.
Quả Sa nhân là một loại dược liệu quý nên đầu ra rất tốt. Sau khi trồng từ 2 - 3 năm, cây Sa nhân sẽ cho thu hoạch và cho thu 5 năm liên tiếp. Giá bán 1kg quả khô từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng, bình quân trồng 1ha Sa nhân, người dân có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ năm.
Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 50 ha cây Sa nhân |
Ngoài cây Sa nhân, cây Sơn tra cũng là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong xã. Hiện nay, Tỏa Tình có trên 140ha cây Sơn tra được hơn 200 hộ trồng tập trung tại 7/7 bản; có hộ trồng lên tới trên 1.000 cây. Ở độ cao trung bình trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm trong lành, nên Sơn tra ở đây có nhiều lợi thế phát triển, cho sản lượng cao và hương vị thơm, ngọt đặc biệt. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1 tạ quả.
Được biết quả Sơn tra có nhiều công dụng cho sức khỏe con người, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tìm mua để chế biến đa dạng các sản phẩm khác nhau, như: Phơi khô làm vị thuốc, ngâm rượu, làm mứt.v.v.. Nhiều thương lái đã tìm đến tận vườn để thu mua.
Vào mỗi vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày có hàng chục tấn quả Sơn tra ở Tỏa Tình xuất bán ra thị trường, chủ yếu vận chuyển về các tỉnh miền xuôi. Năm nay, Sơn tra được mùa nên giá bình quân chung giảm từ 2 – 3 nghìn đồng/kg. Loại cây này, đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân ở xã Tỏa Tình.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Tỏa tình hôn nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Đường giao thông, điện lưới, trường lớp học và các công trình phúc lợi công cộng từng bước được đầu tư xây dựng. Thôn bản với những ngôi nhà khang trang, bề thế thay cho những căn nhà tạm bợ, siêu vẹo khi xưa. Cuộc sống của đồng bào cũng từng bước khởi sắc nhờ những bước tiến vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.
Nhờ chăm chỉ cần cù, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm của xã Tỏa Tình đạt xấp xỉ 10 nghìn tấn; bình quân lương thực đầu người đạt trên 480 kg/người/ năm, mức cao so với các xã vùng cao, vùng xa của huyện Tuần Giáo. Nếu như năm 2013, diện tích canh tác ngô của xã chỉ khoảng 300 ha, thì đến nay đã tăng lên và giữ ổn định hơn 500 ha. Cây ngô đã thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định lâu dài cho người dân.
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều diện tích đất nương kém hiệu quả được chuyển sang trồng cà phê, trồng cây Sơn tra mang lại hiệu quả cao. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, đến nay đời sống người dân xã Tỏa Tình đã từng bước xóa được đói, giảm nghèo hiệu quả theo hướng bền vững.
Vào mỗi vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày có hàng chục tấn quả Sơn tra ở Tỏa Tình xuất bán ra thị trường, chủ yếu vận chuyển về các tỉnh miền xuôi. |
Thực tế những năm qua cho thấy, cây gì phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có thị trường tiêu thụ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì xã vận động và khuyến khích bà con đầu tư mở rộng diện tích sản xuất. Bởi chỉ có sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường thì nông sản của bà con mới dễ tiêu thụ. Tỏa Tình xác định các loại cây: Sơn tra; Sa nhân; Cà phê; ngô là những loại cây chính giúp bà con giảm nghèo bền vững và vươn lên cuộc sống khá giả.
Nhờ có chủ trương đúng và những giải pháp tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nông dân xã Tỏa Tình đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua đó, giúp nông dân giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN